Contents
Trọng số A, S, K thay đổi thế nào theo số năm kinh nghiệm?
Như hình tam giác ASK ở trên, bạn có thể thấy: Kiến thức chiếm 15%, còn Thái độ và Kỹ năng chiếm tới 85%. Nhìn chung, kỹ năng là trọng số quan trọng nhất để đảm bảo một người có thể làm tốt công việc. Nhưng ở mỗi thời kỳ, các trọng số lại khác nhau.
Thái độ rất quan trọng khi bạn mới đi làm
Khi bạn mới bắt đầu sự nghiệp thì Thái độ là trọng số rất quan trọng. ‘’If you don’t have skills, it can be acquired. If you don’t have knowledge, it can be gained. But, if you don’t have attitude, you are in trouble.’’ (Không có kỹ năng thì có thể rèn luyện. Không có kiến thức thì có thể tích lũy. Nhưng nếu không có thái độ thì gay đấy.)
Nhiều anh chị giữ chức vụ quan trọng ở những tập đoàn lớn từng nói thẳng với mình: “Anh/chị tuyển thái độ là chính.” Nghe hơi nghiêm trọng hóa quá, nhưng ý họ là Thái độ rất quan trọng với các bạn trẻ.
Một thái độ sẵn sàng học hỏi, cởi mở tiếp thu ý kiến, chịu khó tự tìm tòi và tự học sẽ thúc đẩy bạn rèn kỹ năng và tích kiến thức.
Một thái độ chủ động và có trách nhiệm giúp bạn tự thúc đẩy mình đi giải quyết các vấn đề của tổ chức mà không cần có sếp đốc thúc, giám sát.
Một thái độ tích cực và sự kiên trì giúp bạn không nản lòng trước các khó khăn trong công việc, nhất là thời buổi này vấn đề và khó khăn xảy ra hàng ngày và thay đổi chóng mặt, giúp bạn tin tưởng vào kết quả tích cực để không ngừng nỗ lực và truyền niềm tin này sang cho đồng đội.
Bạn hãy xem lại bộ ASK ví dụ của mình khi tuyển vị trí Junior Digital Marketing, phần Thái độ được mô tả kỹ hơn so với Kỹ năng và Kiến thức.
Tham khảo danh sách các tính cách / phẩm chất, kỹ năng và kiến thức mà nhà tuyển dụng tìm kiếm do Ngọc tổng hợp và biên soạn.
Khi bạn có nhiều kinh nghiệm thì thái độ không còn quan trọng nữa
Vì lẽ: Sau 3 – 5 năm đi làm, thái độ tốt là điều đương nhiên. Nếu không có thái độ tốt thì bạn sẽ không đi đến đâu cả, không có kỹ năng, không có kiến thức. Thái độ không tốt thì bạn còn không quản lý được chính mình, đừng nói quản lý người khác.
Sau 3 – 5 năm, người ta so kè nhau ở kỹ năng và kiến thức. Đến tầm này, bộ kỹ năng của ai xịn hơn, chuẩn chỉnh, kiến thức của ai sâu rộng hơn thì sẽ có lợi thế hơn. Bạn có thể xem bộ ASK mẫu của mình khi tuyển Marketing Manager và thấy yếu tố Kỹ năng nặng đô như thế nào.
Và khi bạn càng ở vị trí cao hơn, kiến thức tốt lại càng có vai trò quan trọng. Ai chứng tỏ được mình có kiến thức tốt thì sẽ ghi điểm với nhà tuyển dụng là có tiềm năng trở thành lãnh đạo do nắm được những thứ vĩ mô. Bạn có thấy trên truyền thông và trong thực tế, những ai ở địa vị càng cao thì càng có xu hướng phát biểu những thứ càng vĩ mô, “high-level”, lắm lúc dân thường không ai hiểu không?
Khi tích lũy kiến thức thì bạn không chỉ hấp thu là đủ, mà phải tư duy xem mình vận dụng mớ kiến thức đó vào công việc, ngành – nghề của mình như thế nào để tạo giá trị cho tổ chức nhé. Không thì chỉ là học gạo, hổ giấy mà thôi.
Hãy tự ASK bản thân: Bạn đang có A – S – K nào rồi?