Trong bài này, mình sẽ chia sẻ với các bạn công cụ thứ 2 trong những loại công cụ giúp định hướng nghề nghiệp phù hợp mà mình thường sử dụng khi mentor và hướng dẫn cho các bạn trẻ Việt Nam ở châu Âu và Việt Nam. Đó là mô hình Ikigai.
Trong bài sau, mình sẽ bàn tiếp về một công cụ thứ 3 có tên là “Hedgehog concept” – mô hình Con nhím. Các bạn nhớ đón đọc nhé.
Đọc bài về công cụ định hướng nghề nghiệp đầu tiên: 5 vòng tròn định hướng sự nghiệp.
Nhận thức được cả 3 công cụ nghề nghiệp này sẽ giúp các bạn có sự đối chiếu, so sánh giữa 3 công cụ để thấy những điểm chung, điểm khác nhau và điểm cốt lõi khi định hướng nghề nghiệp. Khi viết hết công cụ thứ 3, mình cũng sẽ tổng hợp lại và đưa ra kết luận của mình: Điều quan trọng nhất khi định hướng nghề nghiệp là gì?
Điểm khác biệt của mình với những người Coach và Mentor khác khi sử dụng các công cụ này?
Mình từng thấy một số bên khá uy tín sử dụng công cụ thứ 2 – mô hình Ikigai và thứ 3 – mô hình Con nhím để hướng nghiệp.
Mình chưa thấy ai sử dụng công cụ đầu tiên – Career Planning Diagram (sơ đồ hoạch định sự nghiệp), là 1 công cụ rất thực dụng và gần nhất với sự nghiệp để hướng nghiệp cả.
Vì vậy, mình là người duy nhất sử dụng cả 3 công cụ này, so sánh đối chiếu để bạn đọc có nhiều góc nhìn hơn.
Contents
Mô hình Ikigai – công cụ định hướng nghề nghiệp phù hợp
Mình sử dụng hình ảnh bằng tiếng Anh, để bạn thấy mình đều dùng các công cụ đã được nghiên cứu và được thế giới sử dụng rộng rãi.
Nếu bạn nào từng làm việc với những người Coach hoặc Mentor (chuyên gia Khai vấn), có lẽ các bạn đã nghe đến Ikigai rồi.
Như trong ảnh các bạn đã thấy, Ikigai được định nghĩa là: A Japanese concept meaning “A reason for being”. Đây là khái niệm được người Nhật tạo ra, có nghĩa là “Lí do tôi tồn tại trên đời này là gì?”.
Dùng Ikigai trong hướng nghiệp để làm gì?
Nghe thì khá là triết học, nhưng trong mảng hướng nghiệp thì chúng ta có thể dùng Ikigai để xem: Lí do tôi muốn làm công việc này là gì, lí do tôi chọn con đường này là gì?
Khi chúng ta tự hiểu được bản thân, hiểu được lí do mình muốn làm công việc này, thì chúng ta mới có đủ nỗ lực để học hỏi phát triển trong công việc, cũng như đủ sự kiên trì để vượt qua các khó khăn (mà khó khăn trong công việc thì lúc nào chả có phải không ạ?) (thay vì bị “hoang mang”, “mông lung”, “bế tắc” như các bạn trẻ hiện nay đang tự nhận).
Dùng Ikigai để định hướng nghề nghiệp phù hợp như thế nào?
Như bạn thấy, Ikigai bao gồm 4 hình tròn sau:
- What you’re good at – Bạn làm tốt cái gì? Thế mạnh của bạn là gì?
- What you love – Bạn thích làm gì?
- What the world needs – Thế giới đang cần gì? Thị trường tuyển dụng đang cần nhân sự thế nào?
- What you can be paid for – Bạn được trả tiền để làm gì? Thứ bạn làm để được người ta trả lương là gì?
Chúng ta hãy cùng xem thử khi 2 trong 4 vòng tròn này giao nhau thì thế nào?
Chính vì vậy, bạn cần dành dành thời gian nghiền ngẫm và điền vào 4 vòng tròn trên.
Khi bạn tìm được công việc mà đáp ứng được cả 4 yếu tố: vừa khai thác được thế mạnh, vừa yêu thích, vừa đúng nhu cầu của thị trường lao động, vừa được trả lương cao, thì khi ấy bạn đã tìm được Ikigai rồi đấy.
Nhưng trên thực tế, mình thấy có rất ít người tìm được công việc đáp ứng được cả 4 yếu tố. Những người đó có lẽ nhiều nhất là các doanh nhân nổi tiếng như Bill Gates của Microsoft, Elon Musk của Tesla.
Thực ra bạn chỉ cần tìm được công việc đáp ứng được ít nhất 3 trên 4 là đã rất tốt rồi.
Thậm chí, mình cho rằng công việc chỉ cần thỏa mãn được 2 yếu tố sau.
What you’re good at + What the world needs
Tức là: Bạn hãy làm một công việc khai thác đúng thế mạnh, đúng loại công việc mà các nhà tuyển dụng đang cần.
Thì khi đó, tự động họ sẽ trả lương cao cho bạn, có nghĩa là tự động bạn sẽ có yếu tố What you can be paid for (thu nhập).
Còn đối với yếu tố What you love (sở thích), mình thấy rằng: Nói chung với những việc mà chúng ta làm tốt, thì chúng ta sẽ luôn yêu thích nó ở một mức nhất định. Có thể bạn sẽ không quá thích, nhưng vì đó là thế mạnh, bạn làm nó rất dễ dàng và có thể làm cả đời, nên bạn sẽ không chán nó được.
Vì vậy, nếu bạn làm cái What you’re good at, bạn sẽ tự động có được cái What you love thôi.
Sau bài này, lời khuyên của mình với bạn:
- Hãy ngồi liệt kê ra các thế mạnh của mình, sau đó nghiên cứu xem hiện tại các ngành nào, nghề nào đang hot.
- Xem trong các ngành, nghề đó, loại công việc nào phù hợp với 1 – 2 điểm mạnh nhất của mình.
- Lên chiến lược ứng tuyển những công việc đó.
Các bạn còn chờ gì nữa? Hãy bắt tay vào tìm ra Ikigai của mình thôi! Và đừng quên đọc thêm những bài khác của mình về Định hướng nghề nghiệp, và đón đọc bài sau của mình, giới thiệu về mô hình Con nhím nhé!
Xem video tóm tắt cả 3 công cụ định hướng nghề nghiệp phù hợp của mình tại đây: