Mình giật tít thế thôi chứ mình khẳng định ngay từ đầu là: Cần thiết nhé các bạn, nhất là nếu bạn giống mình, là người suy nghĩ kiểu “long-term”, thích những gì dài hạn. Nếu được định hướng sự nghiệp đúng và sớm, thì giờ mình còn phát triển hơn rất nhiều, và thành “ông nọ bà kia” rồi.
Bài sau mình sẽ chia sẻ một công cụ giúp bạn định hướng sự nghiệp và công việc, gọi là “Career Planning Diagram” – Sơ đồ hoạch định sự nghiệp.
Công cụ này trực quan và thân thiện, đặc biệt là với những bạn đang đi học hoặc mới tốt nghiệp, bắt đầu tự đặt câu hỏi: “Ra trường thì làm gì?” ở cả Việt Nam và nước ngoài.
Contents
Vì sao cần định hướng sự nghiệp?
Đầu tiên mình nghĩ nên đính chính lại: “Định hướng sự nghiệp (career)” thì hợp lý hơn “Định hướng nghề nghiệp (job)”.
Hãy cùng nhau phân tích qua case study 1 người đi làm ở Đức với hơn 10 năm kinh nghiệm, đó chính là mình: Võ Minh Ngọc. Chúng ta cùng phân tích profile của Ngọc nhé.
- Tính cách: Yêu tiền từ bé, luôn nghĩ cách kiếm tiền. Cả thèm chóng chán. Ghét làm những việc liên quan đến admin, giấy tờ. Tính cách này là tiêu biểu cho những người có máu entrepreurship – làm kinh doanh.
- Học sinh: Thiên về các môn xã hội như Anh – Văn. Toán học khá do tư duy logic tốt, nhưng không xuất sắc như hội học chuyên Toán.
Lên cấp 3 định thi khối A, nhưng học Lý – Hóa đuối quá nên quyết định chuyển sang khối D, thi Đại học Ngoại Thương. Đây là quyết định rất chính xác. Đỗ vào khoa Tiếng Anh Thương mại của Đại học Ngoại Thương.
- Sinh viên: Học giỏi tất cả các môn liên quan đến Tiếng Anh. Tất cả các môn liên quan đến tính toán đều sàn sàn, không có gì nổi trội. Các môn Triết học, Kinh tế – Chính trị, Xuất nhập khẩu cũng không có hứng thú vì toàn lý thuyết.
Trong lúc làm sinh viên, làm thêm các nghề như dạy tiếng Anh, dịch tiếng Anh, quản lý trung tâm tiếng Anh, chủ yếu là để kiếm tiền và tích lũy kinh nghiệm. Đều cảm thấy khá OK vì toàn là những thứ mình làm tốt.
- Học Master ở UK: Học về Tài chính và Quản trị. Do cày rất trâu nên là số ít những người tốt nghiệp với tấm bằng Distinction (bằng Giỏi).
Trong lúc học thì điểm mạnh là kỹ năng viết bài luận nhưng gặp rất nhiều khó khăn với những môn nặng về tính toán như Econometrics (Kinh tế lượng).
- Học xong Master về Việt Nam:
– Công việc đầu tiên: Làm Researcher, suốt ngày ôm máy tính để viết báo cáo về thị trường bất động sản Việt Nam. Sau 4 tháng thì nghỉ vì chán, do không thể ngồi ôm máy tính và nhìn số liệu cả ngày mà muốn làm gì tiếp xúc với con người nhiều hơn.
– 2 – 3 năm tiếp theo: Thử rất nhiều việc, mỗi việc 6 tháng – 1 năm, từ Project Manager, sang Sales, Marketing – Communication.
Nhìn lại thì mình thấy là: Với những điểm mạnh và tính cách như vậy, những công việc liên quan đến Kinh doanh / Sales / Marketing rất hợp với mình, đặc biệt là Marketing, vì nó cho phép mình tận dụng các điểm mạnh:
+ Viết lách: viết content, viết blog, viết kịch bản video
+ Lên kế hoạch: lập kế hoạch Marketing, kế hoạch event, kế hoạch cho chiến dịch Truyền thông
+ Làm việc với con người: tiếp xúc với khách hàng, các phòng ban Sales – Sản phẩm – HR v.v
+ Nghiên cứu: nghiên cứu thị trường, đào sâu tìm insight khách hàng, phân tích đối thủ
+ Thẩm mỹ tốt: làm việc với designer, quản lý chất lượng các sản phẩm nghe – nhìn như video, audio, website v.v.
Nghề Marketing cũng khắc phục được tính cả thèm chóng chán của mình, bởi thời buổi 4.0 này thì Marketing đã phát triển quá nhanh, ra quá nhiều nhánh, mỗi nhánh bạn có học cả năm cũng không hết.
Không có ai dám nhận là cái gì cũng biết trong Marketing nữa rồi. Mỗi ngày bạn sẽ học và làm 1 thứ mới. Sau bao năm kinh nghiệm ở Việt Nam và chuyển sang Đức, cách làm Marketing khác, mình lại phải tích lũy rất nhiều kiến thức và kỹ năng mới.
Với những điểm yếu khi làm việc sâu với con số, mình mà làm việc với số liệu như Business Intelligence, Financial Analyst thì chắc chắn không hợp, và mình cũng phát ốm mất.
Thế nhưng đến năm mình 26 tuổi thì do không hài lòng với sếp nên mình đã ngu dại nghỉ việc, với sự tự tin: Trong mấy năm vừa rồi mình tìm việc rất dễ, mình có bằng Master và tiếng Anh nên việc tiếp theo chắc cũng chả khó gì.
Vậy mà năm 27 tuổi mình gặp rất nhiều khó khăn khi tìm việc. Ở nhà thất nghiệp 6 tháng mới tìm được công việc mới và cũng không phải thứ mình thực sự hài lòng.
Sau đó nhìn lại mình mới vỡ lẽ:
Sau khi 1 người đi làm được khoảng 3 – 5 năm, có thể coi là có “career” – sự nghiệp rồi, thì năm 27 – 28 tuổi là cột mốc quan trọng đầu tiên quyết định xem bạn có thể lên nấc mới, ví dụ “team leader” hay không. Đọc thêm bài này của mình.
Nếu đến lúc đó mà bạn chưa tích lũy được 2 – 3 năm kinh nghiệm trong 1 lĩnh vực nào đó thì tìm việc mới cũng rất khó, chứ đừng nói đến lên chức.
Đọc thêm các bài viết khác của mình liên quan đến Kỹ năng làm việc.
Nếu 3 – 5 năm đầu tiên, bạn chuyển nhiều việc, cứ 3 – 6 tháng nhảy việc 1 lần thì CV của bạn nhìn sẽ “nát bét”.
Khi trở thành chủ doanh nghiệp ở Impactus và là nhà tuyển dụng, mình rất sợ những CV nát như vậy!
Nhìn những CV “nát” ấy mình sẽ suy ra một lúc 3 điều về ứng viên đó:
- Bạn này mông lung, không biết mình muốn gì, thế nên động cái là nhảy.
- Bạn này không có chuyên môn nhất định, vì mỗi việc chỉ làm được 3 – 6 tháng, chưa tích lũy được gì cả.
- Bạn này không có cam kết trong công việc, cứ gặp vấn đề / khó khăn là bỏ cuộc.
Ngược lại, khi nhìn 1 CV cho thấy sự phát triển theo 1 hướng cụ thể sau mỗi công việc hoặc mỗi năm, thể hiện qua job title, qua phạm vi công việc và các kỹ năng mới, nhà tuyển dụng sẽ thấy yên tâm hơn hẳn về việc ứng viên có mục tiêu rõ ràng, có kỹ năng – kinh nghiệm, và có sự kiên trì, khó không nản.
>> Đọc thêm Hướng dẫn đầy đủ của mình về cách viết CV tiếng Anh
Ví dụ một ứng viên Sales ứng tuyển vào vị trí Sales Manager như thế này sẽ có tiềm năng cao:
- 3 năm trước: nhân viên Sales part-time
- 2 năm trước: nhân viên Sales full-time, sau 1 năm trở thành nhân viên Sales xuất sắc nhất
- 1 năm trước: Sales team leader, dẫn dắt thành công 1 nhóm 3 người đạt KPI
Kết luận
Qua case study của ứng viên Võ Minh Ngọc, kết luận của mình là:
Nhiều bạn còn trẻ và đang đi học (kể cả du học sinh), chưa có định hướng gì, mới làm 1 – 2 việc với tâm thế “thử”, thì thường có suy nghĩ: “A job is just a job” (1 công việc chỉ là 1 công việc), mà chưa có ý nghĩ: “A job is a part of a career” (mỗi công việc là một phần của sự nghiệp).
Các bạn có thể tìm hiểu thêm về các bước hoạch định sự nghiệp từ nguồn tiếng Anh tại đây.
Nhưng khi các bạn làm được 1 vài năm rồi, các bạn sẽ thấy: Mỗi công việc mình làm thật ra đều có sự liên quan đến nhau, xâu chuỗi lại để tạo thành sự nghiệp.
Khi các bạn trẻ, chúng ta còn có vài cơ hội để thử. Chứ khi chúng ta có 3 – 5 năm kinh nghiệm rồi, không thể thử được nữa. Khi ấy, mỗi bước chuyển của chúng ta đều sẽ là một bước chuyển mang tính chiến lược, đưa bạn lên một nấc mới, nên phải tính rất kỹ.
Vì vậy, nếu chưa biết nên bắt đầu từ đâu, hãy thử một cách khôn ngoan, có nghĩa là chọn lọc ra 2 – 3 hướng để thử, và thử càng sớm càng tốt. Tốt nhất là khi còn đang là sinh viên.
Mỗi lần hãy thử khoảng 1 năm. Như vậy mới đủ lâu để bạn thực sự hiểu công việc đó, chứ 2 – 3 tháng chỉ đủ để hiểu sơ về công ty, sản phẩm, quy trình phối hợp nội bộ thôi.
Sau khi thử xong, bạn sẽ xác định được ra hướng phù hợp, và từ đó chỉ đi theo hướng đó. Mình nghĩ nếu hồi trẻ có mentor nào chỉ cho mình điều này, mình sẽ tiết kiệm được 2 – 3 năm đầu thử, và phát triển nhanh hơn nhiều. Bây giờ có lẽ mình đã thành “ông nọ bà kia” rồi.
Không định hướng sự nghiệp thì có sao không? Chả sao cả!
Nhưng nếu có: Nó sẽ giúp bạn đẩy nhanh sự phát triển (bởi khi ấy bạn sẽ khai thác đúng thế mạnh bản thân) và đường dài sẽ có sự nghiệp vững chãi và rực rỡ hơn nhiều.
6 comment
Giọng nói truyền cảm hứng ngày nào :). Định hướng nghề nghiệp thật sự quan trọng ạ. Và thêm nữa là tìm được mentor có tâm như chị Ngọc.
thế mà NA cũng mất vài năm rồi giờ mới thấy theo 1 hướng lâu dài đấy nhỉ
Yeah!! Em mong được chị ra tiếp ep 3 nữa ạ. Hóng hóng tiếp nào!!!!!
Em cố gắng vượt qua được năm Covid này bằng cách đầu tư cho bản thân và phấn đấu cho năm sau bứt phá.
Em cảm ơn chị Ngọc rất nhiều ạ.
Kiều Anh siêu chăm nên sẽ đến ngày đấy thôi 😀
Chuẩn này chị Ngọc ơi. Nhiều bạn trẻ bây giờ có định hướng sớm lắm. Mình tuy định hướng muộn hơn nhưng hãy cố gắng nào <3
Yeah… muộn còn hơn không. Sai chỗ nào sửa chỗ đó. Quá khứ không sửa được thì hướng đến tương lai nhỉ 🙂