Đây là lời nhận xét của bạn Nguyễn Thục Hiền, giảng viên tại Digital Career Institute (DCI), trường đào tạo Digital Marketing cho người nhập cư ở Đức. Sau 2 bài đầu giới thiệu về trường, mình nhận được nhiều câu hỏi về cách đăng ký nhập học. Bài này mình sẽ chia sẻ về chủ đề này nhé.
Trước hết hãy tìm hiểu thêm về thời gian học, đặc điểm học viên và yêu cầu để được DCI nhận vào.
Xem các bài viết của mình về Tìm việc ở châu Âu.
Contents
Thời gian học
Như mình đã giới thiệu ở bài trước, một khóa Online Marketing tại DCI thường kéo dài 12 tháng. Học viên sẽ học 5 ngày / tuần và mỗi ngày học từ 9h – 16h.
Trong 5 ngày này có 4 ngày học các môn Marketing, 1 ngày học tiếng Anh hoặc tiếng Đức (tùy theo tiếng nào của học viên kém hơn) và các kỹ năng mềm, hoặc được mentor bởi một giảng viên Marketing ở lớp khác.
Theo Hiền, thời gian học như vậy là khá nặng, thậm chí còn nặng hơn học Đại học, nhưng chương trình học thực tế hơn. Trong khi học Đại học thì sinh viên chủ yếu tự nghiên cứu và viết bài luận, thì tại DCI sẽ chú trọng học kiến thức và tư duy Marketing, học kỹ năng Online Marketing thực tế.
Với một người có 10 năm kinh nghiệm làm Marketing như mình, học từng đó kỹ năng chỉ trong vòng 1 năm đúng là nặng thật, đòi hỏi học viên phải tập trung cao độ. Học viên sẽ được học cách sử dụng các công cụ Digital Marketing khá phức tạp, cần nhiều thời gian để làm quen và thành thạo.
DCI có licence cho các công cụ Digital Marketing phổ biến để học viên có thể học thực chiến, ví dụ như phần mềm Ahrefs. Đây là một phần mềm rất nổi tiếng trong giới làm Search Engine Optimization (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm). Bản thân mình lúc đầu cũng gặp khá nhiều khó khăn để làm quen với Ahrefs.
Đặc điểm học viên tại DCI
Bên cạnh học viên người Đức chiếm khoảng 20 – 30%, các học viên còn lại của DCI đến từ nhiều nước khác nhau như Bangladesh, Ấn Độ, Iraq, với độ tuổi phong phú từ 22 cho đến hơn 50. Các học viên đều cần có trình độ tiếng Anh ở mức cơ bản (tối thiểu A2).
Những người nhập cư vào Đức thường tìm đến DCI vì 1 trong 2 lí do:
- Không thể tìm được việc làm, nên tới nhờ Sở Lao động hỗ trợ cho học tại DCI.
- Muốn đổi ngành, do thị trường lao động Đức quá cạnh tranh và họ không thể tìm được việc ở ngành cũ.
Chính vì vậy, nhiều học viên khá tự ti và rụt rè trong lớp, nhiều khi nghe giảng bằng tiếng Anh không hiểu và cũng không dám hỏi.
Yêu cầu để được DCI nhận đào tạo
Như bạn thấy, học phí thật ra lại không phải là vấn đề lớn nhất.
Hiền chia sẻ: 100% học viên khóa trước đây của Hiền được tài trợ học phí (lên tới gần 30,000EUR) bởi Sở Lao động. Vì vậy, dù chương trình học khá nặng, nhưng không có mấy ai dám bỏ giữa chừng, bởi bỏ là họ sợ bị Sở Lao động đòi lại học phí.
Để được đăng ký học tại DCI, bạn phải thỏa mãn một số yêu cầu:
- Bạn có nhiều kinh nghiệm Digital Marketing rồi? Không được. Vì như vậy, lúc học chung với những người ở trình độ cơ bản, bạn sẽ thấy dễ quá.
- Bạn có hiểu biết chưa sâu về Digital Marketing? Sẽ có hai cách:
+ Nếu bạn đã hiểu qua về Digital Marketing, bạn sẽ cần vượt qua vòng phỏng vấn với một giáo viên bộ môn.
+ Nếu bạn hoàn toàn chưa có tí khái niệm gì, bạn sẽ được học một khóa định hướng để hiểu về các chương trình học tại DCI (Lập Trình web, Online Marketing, Điện Toán Đám Mây Amazon, Python) sau đó chọn ra một hướng mà bạn cảm thấy phù hợp nhất.
Sau khóa học, bạn hãy yêu tâm về triển vọng nghề nghiệp. Với những chương trình học và dịch vụ hỗ trợ tận răng tại DCI, 90% học viên khóa trước của Hiền đã tìm được việc, và 100% đã tìm được công việc thực tập sinh. Như vậy cũng đã đặt 1 chân vào thị trường lao động rồi.
Digital Marketing – Liệu đây có phải con đường phù hợp cho bạn?
Việc bỏ ra 1 năm để học full time là một sự đầu tư thời gian đáng kể. Vậy trước khi quyết định đăng ký học, làm thế nào để biết đây là con đường phù hợp cho bạn?
Theo Hiền, để trở thành một Digital Marketer ở Đức và đăng ký tham gia học tại DCI, bạn nên có một số đặc điểm sau:
- Thích Digital Marketing, vì học nặng và khó. Khi đã học là bạn sẽ phải chấp nhận hi sinh, bỏ qua các cơ hội làm việc part-time, hoặc thời gian dành cho bản thân và gia đình.
- Empathy – sự thấu cảm, nôm na là trí tuệ cảm xúc cao. Mình cho rằng đây cũng là một trong các yêu cầu quan trọng của một người làm Marketing, vì bạn phải hiểu đặc điểm và tâm lý khách hàng để xây dựng các chiến dịch Marketing phù hợp.
- Lì – ở đây là “lì đòn”, “kiên trì”, không sợ thất bại, không ngại bị từ chối. Có một số học viên của Hiền đến cuối khóa học đã chủ động đi hỏi mọi người xung quanh xem có ai có nhu cầu tìm người quản lý Facebook fanpage không, nhận làm miễn phí hoặc với một mức phí rất rẻ, để có kinh nghiệm thực tế.
Mình thấy sự lì đòn này là một yếu tố rất cần thiết cho bất kỳ ai làm Sales hoặc Marketing, khi mà hàng ngày phải đào sâu tìm hiểu nhu cầu khách hàng, sau đó xây dựng và test các loại thông điệp bán hàng khác nhau, trong đó 100 thông điệp có khi mới ra được 1 thông điệp hiệu quả. Vì vậy bạn cần phải không sợ thất bại và dám thử theo nhiều cách.
Cách đăng ký nhập học tại DCI
Đây chắc là mục các bạn quan tâm nhất. Vậy làm thế nào để đăng ký học các chương trình học hay ho tại DCI?
Thật ra mình chưa bao giờ liên hệ với DCI để được nhận tư vấn, và Hiền thì là giảng viên chứ cũng không phải ban Tuyển sinh, nên không nắm được thông tin chi tiết. Mình có thể hướng dẫn cho bạn tất cả những gì mình biết thôi nhé!
Có 2 cách để đăng ký:
Cách 1: Không thông qua Sở Lao động: Bạn có thể đăng ký như một học viên bình thường và tự trả học phí. Như vậy bạn chỉ cần vào link Đăng ký học trên website của DCI mà thôi, sau đó ban Tuyển sinh sẽ tư vấn cho bạn như bình thường.
Cách 2: Làm việc với Sở Lao động:
- Đầu tiên bạn vẫn nên điền vào link Đăng ký học đã.
- Nếu như chưa bao giờ làm việc với Sở Lao động, bạn hãy Google số điện thoại của Sở Lao động khu vực mình ở (ví dụ như với mình là: Arbeitsamts Koblenz) và gọi trực tiếp cho họ. Đừng gửi email vì theo kinh nghiệm của mình, ở Đức họ rất ít khi mở và trả lời mail người lạ. Họ trả lời sau khi đã nói chuyện và biết mình rồi. Cũng không nên không hẹn trước mà đến gặp họ. Người Đức rất không thích làm việc không hẹn trước.
- Gọi cho họ và giới thiệu về bản thân bằng tiếng Đức. Cuộc gọi đầu tiên này khá quan trọng nhé bạn.
Như ở bài trước, cả Hiền và mình đều đồng ý: Việc bạn có được Sở Lao động hỗ trợ hay không thì hên xui, phụ thuộc vào từng bang, từng thành phố, thậm chí từng nhân viên làm việc với mình, và cả chính bạn nữa.
Vì vậy, khi tự giới thiệu bản thân, hãy chuẩn bị sẵn nội dung để nói về:
+ Viễn cảnh bạn sẽ định cư lâu dài ở Đức (và không trở về Việt Nam), thì mới đáng để họ đầu tư vào bạn để bạn trở thành nhân lực cho họ chứ.
+ Kinh nghiệm và khả năng của bạn trước đây và vì sao họ nên hỗ trợ cho bạn. Ví dụ: Bạn rất cầu thị, chăm chỉ, mong muốn xây dựng sự nghiệp tại Đức nhưng do lạ nước lạ cái nên tìm việc khó khăn.
Nếu bạn nói không khéo, biết đâu người nhân viên đó vốn không phải người nhiệt tình, và sẽ không sốt sắng giúp bạn, và mình sẽ không được việc.
Nếu bạn mong muốn được làm việc với một người biết tiếng Anh thì cũng nên nói với họ ở cuộc gọi đầu tiên luôn.
- Sau cuộc gọi này, họ sẽ gửi cho bạn qua đường bưu điện một bức thư có chứa lịch hẹn với một nhân viên hướng nghiệp từ Sở Lao động. Người này sau này sẽ đại diện Sở Lao động hỗ trợ cho mọi bước đường sự nghiệp của bạn ở Đức (Bạn agent của mình đến giờ vẫn thỉnh thoảng email hỏi thăm mình xem có cần hỗ trợ gì không đấy).
- Đúng lịch hẹn này, nhân viên hướng nghiệp sẽ gọi cho bạn. Bạn trình bày chi tiết bằng cấp, kinh nghiệm trong quá khứ và mong muốn của bạn ở Đức. Người này sẽ dựa vào đó tư vấn bạn nên làm gì, tặng cho bạn các voucher như học tiếng Đức, học tại DCI và các voucher liên quan khác. Các voucher này sẽ được gửi chung qua đường bưu điện.
- Sau cuộc tư vấn này, bạn có thể gửi CV cho người này xem để hiểu hơn về bạn. Đồng thời nếu có câu hỏi gì phát sinh, bạn hoàn toàn có thể nhờ người đó tư vấn.
Ngoài ra, mình nghĩ để chắc chắn nhất, bạn nên chủ động liên hệ với DCI qua link đăng ký nhập học để được họ hướng dẫn cụ thể nhé.
Đây là toàn bộ những gì mình biết sau khi tìm hiểu về DCI qua lời kể của bạn Nguyễn Thục Hiền và tự tham khảo trên website, cùng kinh nghiệm thực tế của mình. Mình hi vọng qua chuỗi bài này, bạn nhận thức được một kênh hỗ trợ sự nghiệp rất hay của Chính phủ Đức, để tìm được công việc phù hợp và xây dựng sự nghiệp chắc chắn nhé. Chúc bạn thành công!