Mỗi chúng ta (và cả bố mẹ chúng ta) dành ít nhất 16 năm, bao gồm tiền, thời gian và công sức để chúng ta được học hành tử tế, ra trường có tấm bằng đẹp trong tay. Chưa kể còn học thêm học nếm, học các loại ngoại ngữ, các loại kỹ năng. Ấy thế mà có một kỹ năng rất quan trọng là kỹ năng tìm việc làm (job application skills) thì lại không ai để ý.
Vấn đề của nhiều sinh viên
Lướt qua nhiều Facebook group cả ở Việt Nam và nước ngoài, đọc nhiều bài báo cả trong và ngoài nước, dễ thấy có một bộ phận các bạn sinh viên mới/sắp ra trường hoang mang, lo lắng và cảm thấy thất vọng với bản thân do các bạn thử đi tìm việc một thời gian mà vô vọng, rải CV mãi không thấy ai liên hệ phỏng vấn, hoặc phỏng vấn mấy lần đều trượt.
Dưới đây là một số câu hỏi mình thu lượm được khi dạo qua vài group sinh viên, bao gồm sinh viên trường top ở Hà Nội và sinh viên du học châu Âu:
Không chỉ với người Việt, mà cách đây nửa năm, mình rất ấn tượng với một bài báo trên Reuters, kể về câu chuyện của một bạn sinh viên master người Syria theo học ngành Kỹ sư tại trường Đại học top đầu ở Đức sau khi rải 800 hồ sơ và được mời tới 80 buổi phỏng vấn mà vẫn thất nghiệp.
Bản thân mình cũng từng có thời gian như vậy. Cách đây 10 năm, khi học xong master ở UK, mình đã rất vất vả và mất tới 6 tháng để tìm được công việc thực tập đầu tiên. Nhớ lại quãng thời gian đó mà hãi hùng vì mình mang CV tới Career Center ở trường Đại học bên đó, đưa cho vài người đi trước xem hộ, cũng chủ động gọi điện cho nhà tuyển dụng để tự giới thiệu bản thân và tìm kiếm cơ hội. Nhưng mọi thứ đều không cho thấy tia hi vọng nào.
Đọc đến đây bạn có thấy quen quen không?
Cơ hội thực tập mình kiếm được về sau cũng chỉ kéo dài 6 tháng, và đến cuối mình cảm thấy nản, mệt mỏi và đơn độc ở UK nên quyết định về Việt Nam.
Về nước mình tưởng là dễ và thừa sức tìm được việc nghìn đô vì thời đó còn ít người đi học master và có tiếng Anh xịn. Ấy vậy mà thực tế đã cho mình cái vả vào mặt. Mình rải CV hàng loạt tới các tập đoàn đa quốc gia và không được công ty nào mình thích gọi đi phỏng vấn cả. Cuối cùng mình vào làm Researcher ở Savills, một tập đoàn môi giới bất động sản đa quốc gia, và sau 4 tháng thì nghỉ việc vì CHÁN!
Về sau mình mới rút ra là tính mình thích tương tác với mọi người và không thích việc cả ngày ngồi ôm máy tính. Quan trọng hơn, làm việc với con người mới là thế mạnh của mình.
Kể từ đây đánh dấu chuỗi ngày nhảy việc của mình kéo dài 4 năm, để rồi cuối cùng mình cũng connect the dots (nhìn lại) và tìm được “bến đỗ” phù hợp, đó là công việc làm Marketing – Communication.
Nghĩ lại, mình thấy sai lầm của mình hồi đó là một chuỗi các sai lầm mang tính chiến lược, làm mình lãng phí mất 6 năm (2 năm ở UK và 4 năm đầu về Việt Nam), tiền (đi học master ở UK cũng phải tới 500 triệu chứ ít). Trong khi đó, nếu mình dành 6 năm đó phấn đấu ở Việt Nam thì có lẽ giờ mình thành ông nọ bà kia rồi.
Câu trả lời
Sau khi mình mở Impactus, một business để dạy về hướng nghiệp, kỹ năng tìm việc làm, đích thân dạy và mentor các bạn sinh viên cũng như tuyển dụng các bạn mới ra trường rồi, mình mới đúc kết được vì sao nhiều bạn lại gặp phải vấn đề chung như vậy.
Đó là do bạn đã đánh giá thấp vai trò của bộ kỹ năng tìm việc (job application).
Mình thử Google và tìm thấy rất ít tài liệu nói về bộ kỹ năng tìm việc. Trong khi bất kỳ ai có trải nghiệm thực tế về việc tìm việc làm ở các nước phát triển thì có lẽ sẽ đồng ý với mình: Tìm việc làm khó thế nào!
Và cái gì khó thì có lẽ đều cần có kỹ năng cả đúng không nào?
Quá trình tìm việc làm (job application)
Để tìm được việc thì có thể không khó, nhất là khi bạn ở Việt Nam. Rải CV một loạt, đi phỏng vấn một loạt, thể nào chả trúng một việc.
Nhưng để tìm được việc tốt thì lại không hề dễ, vì bạn vừa cần có chiến lược, kế hoạch, đồng thời có kinh nghiệm và kỹ năng ứng tuyển (tức là bạn đã thử, đã biết thế nào là trượt, biết đúc rút bài học và thành công) thì mới biết vấn đề của mình ở đâu. Ngoài ra, nếu bạn có một mentor xịn thì quá tuyệt vời.
Mình xin nhấn mạnh: Tìm được việc thì không khó, nhưng tìm được việc tốt thì lại khó!
Giống như trên đời có rất nhiều cơ hội, nhưng cơ hội tốt thì lại không nhiều.
Vậy thế nào là một công việc tốt? Với mình thì ở thời điểm mới ra trường, một công việc tốt là:
- Cho phép mình tận dụng được thế mạnh của mình.
- Môi trường và công việc tạo điều kiện để mình học hỏi và phát triển đúng theo định hướng lâu dài.
- Thu nhập không cần cao nhưng bằng hoặc nhỉnh hơn thu nhập trung bình của một sinh viên mới ra trường.
- Bonus: Nếu bạn có sếp tốt và làm đúng ngành mình thích thì là hoàn hảo.
Làm thế nào để tìm được công việc tốt?
Bạn có thể tham khảo mô hình “Sauder Career Success Cycle” của trường Đại học UBC Sauder, Canada:
Bước chuẩn bị CV và đi phỏng vấn thuộc bước “Building your brand” – xây dựng thương hiệu cá nhân.
Như vậy, trước khi bạn đi rải CV và phỏng vấn, thực ra bạn còn phải làm 3 bước: Assessing self (đánh giá bản thân), Research (nghiên cứu thị trường tuyển dụng), Being strategic (tư duy chiến lược để chọn ra công việc phù hợp).
Đến đây, nếu bạn nghĩ thầm: “Ồ, hóa ra là vậy. Hóa ra trước giờ mình chưa bao giờ nghĩ tới những thứ này!” thì hãy đọc tiếp bài sau nhé.
Bài tiếp: Các bước cần làm trước khi viết CV