Hồi còn trẻ mình không nghĩ Reference Letter (thư giới thiệu của nhà tuyển dụng) là công cụ quan trọng. Trải qua một số kinh nghiệm của bản thân cũng như học từ người khác, mình đã phải thay đổi quan điểm. Giờ thì khi mentor, mình thấy nhiều bạn mentee cũng có lối suy nghĩ y hệt như mình hồi đó, nên mình viết bài này chia sẻ một chút nhé.
Contents
Reference Letter là gì và nó ở đâu trong quá trình tuyển dụng?
Reference (người tham chiếu) có nên đưa vào CV hay không?
Mình khẳng định luôn là KHÔNG!
Ở vòng CV, nhà tuyển dụng chỉ mới quan tâm đến kinh nghiệm, kỹ năng, bằng cấp và con người bạn. Mục tiêu của họ ở vòng này là lọc ra người nào có vẻ phù hợp với vị trí đó để gọi đi phỏng vấn.
Vì vậy, việc cho thông tin Reference vào CV hoàn toàn KHÔNG CÓ Ý NGHĨA gì (trừ khi Reference của bạn là VIP, ai cũng biết đấy là đâu – tức là bạn có quan hệ xịn). Bạn nên bỏ mục này ra khỏi CV, để dành chỗ cho những thông tin khác phù hợp hơn.
Những mục cần đưa vào CV là: kinh nghiệm làm việc liên quan, kỹ năng và kiến thức liên quan, bằng cấp chứng chỉ, thành tích v.v.
Bạn có thể đọc thêm hướng dẫn cụ thể của mình về kỹ năng viết CV bằng tiếng Anh.
Các bài viết về xây dựng lộ trình sự nghiệp.
Khi nào thì vai trò của Reference Letter lên ngôi?
Sau khi bạn qua ải cuối cùng của quy trình tuyển dụng, tức là cuộc phỏng vấn cuối cùng, nhà tuyển dụng quyết định sẽ chọn bạn cho vị trí này, họ sẽ yêu cầu bạn cho thông tin liên hệ của 2 – 3 người có quan hệ với bạn trong công việc.
Mục đích của việc này là họ muốn xác minh từ người từng làm việc với bạn về bạn, xem bạn có đúng là con người như bạn thể hiện trong cuộc phỏng vấn không? Bạn có bốc phét gì về nhân cách, năng lực, kinh nghiệm không?
Những ai thường là người cho Reference?
Ở Việt Nam, và các công ty Việt Nam thì việc công ty mới yêu cầu check Reference của công ty cũ không phổ biến, vì họ chưa ý thức được tầm quan trọng của việc kiểm tra lại thông tin của ứng viên.
Còn nếu là các công ty nước ngoài, và đặc biệt là nếu ở nước ngoài, việc check Reference là bước bắt buộc trong quy trình tuyển dụng để đảm bảo họ chọn đúng người.
Nhà tuyển dụng thường yêu cầu Reference từ 2 – 3 sếp cũ của bạn.
Đôi lúc họ dễ tính hơn, thì 2 – 3 người đó chỉ cần có quan hệ trong công việc với bạn cũng được. Ví dụ như người từng làm việc với bạn, mentor của bạn, thầy cô giáo ở trường Đại học.
Nhưng thật ra sự thật là thế này:
Đa số sẽ bắt buộc bạn phải cung cấp Reference từ sếp cũ, vì vậy bạn hãy chuẩn bị tinh thần nhé. Việc này khá là nhạy cảm, bởi ai mà muốn viết thư xác nhận cho nhân viên của mình đi tìm chân trời mới, phải không nào?
Những rủi ro của việc xin Reference
Rủi ro lớn nhất – Người cho Reference
Nếu sếp của bạn là người Việt Nam, đa số họ sẽ bảo bạn là: “Em viết Reference đi. Chị / Anh sẽ ký cho.” Cái này thì dễ rồi vì bạn sẽ kiểm soát được hoàn toàn về nội dung. (Chính mình cũng toàn bảo nhân viên cũ tự viết để mình ký xác nhận)
Còn nếu sếp bạn tự viết? Hãy đảm bảo người đó có mối quan hệ thực sự tốt với bạn hoặc bạn có thể tin tưởng người đó sẽ cho Reference tốt.
Còn nếu không rủi ro bạn trượt job khá cao đó.
Có rất nhiều trường hợp sơ sảy, người cho Reference vì một lí do nào đó không thích bạn lắm, đưa một số nhận xét không hay về bạn, hoặc là nghe thoáng qua có vẻ không vấn đề gì nhưng thực ra có ẩn ý không tốt. Đã có những ứng viên người quen của mình đã trượt vì Reference như thế.
Nhất là khi người cho Reference là sếp Tây. Văn phong của họ nhiều khi có ẩn ý mà chúng ta do khác biệt văn hóa không hiểu được, và đánh giá thấp tầm quan trọng của những thông tin đó.
Vì thế, mình làm ở đâu cũng lưu ý xây dựng mối quan hệ rất tốt đẹp với sếp trực tiếp. Ngoài lí do là như vậy công việc sẽ rất suôn sẻ, còn cả lí do:
Nếu sếp mình mà có điều gì đó không hài lòng, sau này xin Reference sẽ rất khó khăn.
Để mình kể cho bạn về trường hợp của mình.
Trước đây, khi mình ứng tuyển thành công vị trí Chuyên gia về Communication cho Asian Development Bank (tương tự World Bank nhưng của châu Á), đến vòng cuối có 2 ứng viên là mình và một chị nữa nhiều kinh nghiệm hơn.
Phải nói thêm là vào được những tổ chức như ADB hay World Bank không dễ tí nào. Mọi người hay nói với nhau là sứt đầu mẻ trán mới vào được.
Sếp trực tiếp của mình về sau có kể lại:
Thật ra chị ấy ưng chị kia hơn vì nhiều kinh nghiệm, nhưng sếp trên (là người trực tiếp tuyển mình) lại chọn mình. Vì anh ấy thích mình, và thêm nữa là Reference của mình rất đẹp.
Khi ấy mình có 3 Reference từ 2 sếp Việt Nam và 1 sếp Tây. Đặc biệt bác sếp Tây người Úc hồi xưa làm Nhân sự, và rất quý mình, nên cho Reference rất hay.
Thậm chí bác ấy viết xong còn gửi cho mình đọc để mình xem có muốn sửa gì không. Mình đã thốt lên: “Đọc như tả ai ấy chứ không phải tôi!”
Về sau, khi mình nghỉ việc ở ADB và tìm việc ở Đức, đến vòng cuối cùng mình cũng được yêu cầu cung cấp 3 Reference.
3 Reference của mình khi ấy ở 3 tổ chức khác nhau, trong đó có 1 sếp người Mỹ, 1 sếp người Việt Nam, 1 sếp người Tây Ban Nha. Cả 3 đều là Founder hoặc sếp khu vực của ADB rất to.
Cả 3 đều rất quý mình và khi mình nhờ thì đồng ý nhiệt tình, chỉ sau 1 ngày đã viết xong. Reference nào viết cũng rất hay và tích cực rồi đưa mình đọc xem có muốn sửa gì không mới gửi đi.
Thậm chí bác sếp người Tây Ban Nha còn bảo: “Mày thích viết gì thì viết, tao sẽ ký”, rồi sau đó gửi đi, kèm thêm nhận xét: “The best employee I’ve ever had” (nhân viên giỏi nhất tôi từng có).
Khi đọc được những Reference như vậy, sếp của mình về sau có nói là rất tin tưởng khi tuyển mình vào.
Bạn hãy nhớ nhé: Reference hoàn toàn có thể khiến bạn trượt job, nếu bạn không đánh giá đúng tầm quan trọng của nó.
Do đó, bạn hãy cố gắng tạo mối quan hệ thật tốt với sếp trực tiếp, và tốt nhất là khi xin Reference thì có thể đọc nó trước khi gửi đi.
Rủi ro thứ 2 – Không có người cho Reference
Đấy là khi mối quan hệ của bạn với sếp không được cơm lành canh ngọt cho lắm. Điều này có lẽ thường xảy ra với không ít các bạn trẻ.
Khi ấy bạn có thể chữa cháy bằng vài cách:
- Xin Reference từ thầy cô giáo hoặc mentor của mình. Cách này có thể vài nơi sẽ tạm chấp nhận, dù không phổ biến.
- Xin Reference từ ai đó không phải sếp trực tiếp của mình, nhưng cũng có chút vai vế ở công ty và từng làm việc với mình. Tất nhiên người này phải có mối quan hệ tốt với bạn.
- Nếu bạn đang hoặc từng tham gia dự án cộng đồng nào đó và có sếp, bạn cũng có thể xin Reference từ người này. Thường thì những người hoạt động cộng đồng khá nhiệt tình và dễ chịu, ít có những pha “chọc khe bất ngờ”.
- Ngoài ra, bạn cũng phải nghĩ ra lí do nào đó hợp lí để giải thích cho việc bạn không có khả năng cung cấp Reference từ sếp trực tiếp.
Rủi ro thứ 3 – Bạn yêu cầu người cho Reference nói sai sự thật
Đây là khi bản thân bạn khi ứng tuyển đã nói dối ở điểm nào đó. Việc này mình cho rằng cũng không hiếm gặp, nhất là nói dối về thời gian làm việc hoặc nội dung công việc bạn từng làm.
Có thể bạn đã khai thời gian làm việc dài hơn thực tế, nếu bạn là người nhảy job nhiều. Hoặc công việc cũ của bạn thật ra khá đơn giản, nhưng bạn lại phía ra vài điểm to to để khiến CV đẹp hơn.
Thế là may mắn bạn đi đến vòng cuối và nhà tuyển dụng xin Reference. Đến lúc này bạn mới hốt hoảng quay lại nhờ ai đó nói dối theo bạn.
Thường mình thấy người cho Reference sẽ không thoải mái với việc này vì nó không trung thực và đặt họ vào thế phải nói dối theo, trong khi họ không được lợi gì ở đây cả.
Tệ hơn, họ còn có thể có ấn tượng không hay về bạn, từ đó cho Reference cũng không còn tích cực nữa.
Do đó, hãy tránh xa việc này bạn nhé!
Xin Reference ở Đức
Cuối cùng, mình muốn nói chút về tầm quan trọng của việc xin Reference ở Đức. Không có nước nào ở châu Âu có quy định ngặt nghèo và phức tạp như Đức về chuyện xin Reference.
Nhà tuyển dụng Đức (cái này có lẽ là đặc điểm dân tộc) đặc biệt đa nghi. Có rất nhiều nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu bạn nộp Reference letter (Arbeitszeugnis) ngay từ vòng nộp CV. Nếu không có Reference letter, cùng Cover letter, thì họ gần như cho bạn rớt luôn, kể cả khi CV của bạn đẹp.
Trang Mylifeingermany.com còn khuyên bạn: Bất kỳ khi nghỉ việc ở công ty nào, hãy xin Reference ngay khi có thể, đồng thời kiểm tra nội dung trước khi họ đóng dấu xác nhận.
Theo luật Đức, nhà tuyển dụng không được phép viết thông tin gì tiêu cực và ảnh hưởng tới khả năng tìm việc của nhân viên. Đồng thời, luật cũng quy định là thông tin phải khách quan.
Bạn có thể đọc thêm từ trang Myjobgermany.com để hiểu thêm và thấy mình không dọa bạn vô căn cứ nhé.
Tóm lại, chiến lược để có Reference đẹp là gì? Bạn hãy đảm bảo làm tốt công việc của mình, xây dựng mối quan hệ tốt với sếp và đừng là người nhảy việc liên tục. Khi ấy bạn đi đến đâu cũng được sếp đánh giá cao và tự tin mà xin Reference thôi. Và tốt nhất thì có ít nhất 1 người cho Reference là Tây nhé.