Bài tiếp theo trong chùm bài về Kỹ năng viết CV bằng tiếng Anh đầy đủ nhất Việt Nam của mình. Nếu làm theo đúng những hướng dẫn của mình, bạn sẽ có khả năng tăng tỉ lệ gọi đi phỏng vấn cho những công việc liên quan đến tiếng Anh tới 50%.
Trước khi đọc bài này, bạn nên đọc thêm các bài viết về yêu cầu của một CV, và so sánh những điểm khác biệt giữa CV và Resume.
>> Xem Hướng dẫn đầy đủ nhất của mình trong chuỗi bài chia sẻ cách viết CV tiếng Anh
Trong bài này, bạn sẽ học được:
- Nắm được các mục chính trong một CV tiếng Anh
- Cách sắp xếp trình tự các phần trong một CV tiếng Anh
- Cách viết Work experience – mục quan trọng nhất trong một CV tiếng Anh
Lưu ý:
- Viết CV bằng tiếng Anh đòi hỏi người viết có trình độ tiếng Anh nhất định. Không nhất thiết phải giỏi nhưng ở mức trung bình khá, cỡ IELTS 5.5 hoặc 6.0 trở lên hoặc TOEIC 650 trở lên. Ít nhất bạn đọc một văn bản bằng tiếng Anh có thể hiểu 40% – 50%.
- Còn bạn nào tiếng Anh ở trình độ beginner, đếm được từ 1 – 10 hoặc chỉ nói được những câu sau thì không nên cố viết CV bằng tiếng Anh:
“My name is ..” / “I’m … years old.” / “I am from …” / “I like listening to music and watching movies.” / “My family has 4 people, my father, my mother, my brother and I.”
Bởi vì nó quá khó cho bạn. Trong CV có rất nhiều từ tiếng Anh ở trình độ cao, phổ biến trong môi trường giao thương trên thế giới. Thậm chí IELTS 7.0 – 7.5 chưa chắc đã biết sử dụng nhiều từ trong CV nếu không tiếp xúc nhiều với các tài liệu chuyên môn bằng tiếng Anh.
Bạn nên đi học để nâng trình độ lên tới mức như mình đã nói ở trên. Bạn có thể tham khảo các khóa tiếng Anh cho người đi làm tại Impactus, sẽ rất phù hợp để tìm việc bằng tiếng Anh.
Bài này mình sẽ sử dụng một số CV có thật từ chính mình và mentee của mình ở Việt Nam và châu Âu.
Contents
Kỹ năng viết CV bằng tiếng Anh
Trình tự các mục trong CV bằng tiếng Anh
Trong một CV bằng tiếng Anh (hoặc tiếng Việt), bạn thường thấy các mục xuất hiện theo đúng trình tự thế này (mục bôi đậm là mục bắt buộc phải có):
- Contact details (Họ tên và thông tin liên hệ) – bắt buộc
- Interested position (Vị trí công việc hiện tại của bạn hoặc vị trí bạn đang muốn ứng tuyển)
- Profile summary (Mục tiêu nghề nghiệp hoặc tóm tắt sự nghiệp)
- Work experience (Kinh nghiệm làm việc LIÊN QUAN)
- Education and qualifications (Bằng cấp học tập và các chứng chỉ LIÊN QUAN)
- Skills (Các kỹ năng làm việc LIÊN QUAN)
- Areas of expertise (Các kiến thức làm việc LIÊN QUAN)
- Social activities (Các hoạt động xã hội)
- Language (Ngoại ngữ)
Bạn có thấy lạ là không có mục Hobby (sở thích) và Reference (người tham chiếu) không?
Trong CV tiếng Anh thì sở thích thực sự không quan trọng. Nhà tuyển dụng thường không quan tâm sở thích của bạn là gì, trừ khi đó là sở thích cực kỳ liên quan tới công việc của bạn. Và nếu sở thích đã cực kỳ liên quan thì thực chất nó đã trở thành một Skill – kỹ năng rồi.
Còn mục Reference thì thường nếu bạn được shortlisted (trở thành 1 trong 2 – 3 ứng viên vào vòng chung kết) thì họ mới hỏi bạn để liên hệ với người đó kiểm tra thông tin về bạn.
Vòng này với nhà tuyển dụng đọc CV tiếng Anh thường rất quan trọng. Mình sẽ viết kỹ trong một bài khác.
Ở Đức thậm chí họ còn yêu cầu Reference letter (thư giới thiệu từ nhà tuyển dụng cũ) thành một phần bắt buộc trong bộ hồ sơ tuyển dụng, bên cạnh CV và Cover letter (thư xin việc) cơ. Nên bạn không phải đưa thêm mục này vào CV làm gì.
Kỹ năng viết CV bằng tiếng Anh: Viết Work experience – Mục quan trọng nhất trong CV
Kinh nghiệm làm việc là mục quan trọng nhất trong CV. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm gì thì họ mới nhìn Bằng cấp học tập (bởi vì bạn chả có gì để kể), còn nếu bạn đã có kinh nghiệm rồi thì họ quan tâm hàng đầu tới kinh nghiệm làm việc.
Với những người càng đi làm lâu năm (3 năm trở lên), nói thật là họ dành phần lớn quan tâm tới kinh nghiệm làm việc, còn bằng cấp thì miễn bạn tốt nghiệp Đại học là được. Xu hướng hiện nay ở nước ngoài là họ sẽ thích ứng viên có bằng Master hơn.
Lưu ý là bằng Master nên từ một trường Đại học ở các nước phát triển, chứ có bằng Master ở Việt Nam thì họ cũng không quan tâm đâu.
Là mục quan trọng nhất nên bạn phải đặt mục này ở vị trí đẹp nhất trong CV để người xem mở CV ra cái là đập vào mắt luôn.
(Tip về vị trí của kinh nghiệm làm việc này phải cảm ơn bạn Phoebe Đỗ, một đối tác của Impactus trước từng làm headhunt tại một công ty headhunt lớn của Mỹ tại Việt Nam đã chia sẻ cho mình.)
Giống như bạn đi vào siêu thị, sẽ thấy những mặt hàng được siêu thị ưu tiên nhất đặt ở các giá ngang tầm mắt với bạn. Như vậy đảm bảo những mặt hàng chủ lực được bán chạy nhất.
Còn có những mặt hàng tốt không kém, nhưng vô tình không thuộc ưu tiên của siêu thị, lại bị đặt ở giá trên cùng hoặc dưới cùng, không ai để ý.
Các thương hiệu thường giành nhau để hàng của mình được đặt ở các giá ngang tầm mắt đó bạn.
Vị trí đẹp nhất trong một CV là vị trí sau:
Như bạn thấy, vị trí đẹp nhất trong CV là ở nửa chính giữa của tờ A4 (nếu đó là CV 1 trang). Còn nếu CV 2 trang thì bạn nên đặt phần Kinh nghiệm làm việc ở nửa cuối trang 1 và lan sang 1/3 hoặc 1/2 đầu của trang thứ 2.
Viết phần Work experience như thế nào?
Đây là ví dụ về một kinh nghiệm làm việc của mình.
- Mục này còn được gọi tên khác là: Career / Professional experience.
- Bắt đầu bằng công việc hiện tại, rồi dần ngược về các công việc cũ hơn.
Cái này gọi là Chronological order – trình bày theo trình tự thời gian, là chuẩn CV phổ biến nhất. Bạn nào bắt đầu bằng công việc đầu tiên trong sự nghiệp là RẤT DẠI nhé.
Vì sao?
Vì nhà tuyển dụng quan tâm nhất là công việc hiện tại / gần đây nhất của bạn, để xem nó liên quan thế nào với công việc bạn đang ứng tuyển cho họ.
Nếu bạn đã có 10 năm kinh nghiệm thì họ sẽ quan tâm bạn đang làm gì bây giờ, chứ 10 năm trước bạn làm gì thì không có giá trị gì mấy với họ.
- Các thông tin cần có trong mỗi kinh nghiệm làm việc (mục in đậm là mục bắt buộc):
Một số lưu ý
Job title và Employer name – thông tin nào cho lên trước?
Khi viết CV, bạn hãy nhớ nguyên tắc:
Mắt người thường đọc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới. Vì vậy thông tin nào quan trọng hơn, hãy cho lên trên.
Đây là lí do mà mục Work experience cần phải xuất hiện ở vị trí top ở trang thứ nhất.
Job title là thông tin quan trọng nhất, vì vậy cần cho lên trên. Trừ trường hợp bạn làm cho một tổ chức lớn, ai cũng biết như Coca-Cola, Amazon v.v. thì khi ấy giá trị thương hiệu nhà tuyển dụng quá cao và rất nên tận dụng.
Thời gian làm việc
Tốt nhất là nên để theo nguyên tắc: mm/yyyy – mm/yyyy. Có nghĩa là: tháng/năm – tháng/năm, và tháng có 2 chữ số. Ví dụ: 01/2020 – 12/2021.
Hãy đoán xem lí do là gì?
Nếu bạn không viết rõ tháng ra và bạn chỉ làm từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021, có nghĩa là 3 tháng, mà bạn đưa vào CV là 2020 – 2021, sẽ khiến nhà tuyển dụng nghĩ là bạn làm ở đó 1 năm. Câu chuyện rất khác nhau.
Nếu họ phỏng vấn bạn và biết được thì kết quả sẽ không hay đâu.
1 – 2 dòng mô tả ngắn về tổ chức
Nếu bạn làm việc cho một tổ chức nhỏ, không ai biết thì bạn nên có phần này để giải thích về ngành kinh doanh của công ty đó, đồng thời tranh thủ làm employer branding, nâng giá trị thương hiệu cho tổ chức của bạn.
Như vậy đồng nghĩa với nâng giá trị thương hiệu cho chính bạn.
Ví dụ về Impactus trong CV của mình, mình sẽ viết thế này:
Impactus Academy is the pioneer business school in Vietnam which provides all career-related learning solutions, including career preparation, skills training, 1 – 1 coaching and mentoring for Vietnamese professionals and students.
(Học viện Impactus là trường tiên phong ở Việt Nam cung cấp các giải pháp đào tạo về sự nghiệp, bao gồm hướng dẫn tìm việc, đào tạo kỹ năng, khai vấn 1 – 1 cho người đi làm và sinh viên Việt Nam)
Dù là một công ty nhỏ và non trẻ, không ai biết, nhưng mình dùng những từ như “pioneer” (tiên phong), và sau đó chọn một lĩnh vực nhỏ mà tổ chức đó có vị thế tốt để nâng tầm thương hiệu cho tổ chức.
Bạn có thể dùng các từ như “top 5”, “top 10”, “leading” (đi đầu), hay “pioneer” (tiên phong) để định vị thương hiệu nhé.
Viết mục Responsibilities
Mục này thường là mục mà các bạn kể cả tiếng Anh tốt cũng cảm thấy khó khăn nhất.
Lúc còn ít kinh nghiệm viết CV, mình cũng vậy. Có khi nặn cả buổi mới xong mục này cho 1 vị trí gần đây nhất.
Về sau mình rút được ra một số tip cực kỳ hiệu quả, giúp viết phần này cực nhanh. Những tip này mình không thấy có trang nào hướng dẫn cả, và do mình tự đúc kết được, cực kỳ giá trị. Bạn hãy tập trung đọc nhé.
Tip 1 – dành cho các bạn tiếng Anh không tốt lắm: Dùng chính Job Description (JD) của công việc hiện tại bạn đang làm.
Job nào khi bắt đầu làm việc thì mình cũng lưu lại bản JD của nó, để thỉnh thoảng đọc lại xem công ty có giao mình đúng những việc như lúc đầu cam kết không, và để cập nhật vào CV và LinkedIn của mình.
JD của bạn chính là thông tin về Responsibilities đầy đủ nhất, dùng từ cũng chuẩn nhất rồi. Bạn chỉ việc rút ngắn đi mà thôi.
Với job gần đây nhất, bạn hãy để 5 – 7 đầu dòng cho mục Responsibilities. Bạn có thể đưa thêm các Key project (dự án quan trọng), Key clients (khách hàng lớn) mà bạn tham gia để nâng giá cho bản thân.
Tip 2: Copy và chỉnh sửa từ các CV và JD mẫu trên mạng.
Tip này khó hơn một chút vì cần bạn biết tiếng Anh. Bạn nào tiếng Anh không tốt thì nên cẩn thận với chiêu này nhé.
Ví dụ:
Nếu job của mình đang là Communication Specialist, mình sẽ google 2 từ khóa “Communication Specialist CV template” hoặc “Communication Specialist CV sample” để tìm các mẫu CV bằng tiếng Anh của vị trí này, và “Communication Specialist JD” để tìm mô tả công việc bằng tiếng Anh của vị trí này.
Ví dụ một mẫu CV:
(nguồn: https://zety.com/blog/communications-specialist-resume-example)
Sau đó bạn mở thử 2 – 3 mẫu CV và 2 – 3 JD, đọc mô tả Responsibilities trong CV mẫu và mô tả Scope of work trong JD, nhặt ra các điểm bạn cảm thấy phù hợp với công việc hiện tại của mình nhất và đưa vào CV của mình.
Lưu ý: Hãy chỉ chọn những điểm gần nhất với công việc của bạn thôi. Nếu không thì đọc CV của bạn sẽ cảm thấy rất giả tạo và sai sai.
Voila! Thế là được ngay một mục Responsibilities rất xịn rồi đấy.
Với kinh nghiệm làm việc thứ 2 và thứ 3 (tức là ngay trước công việc gần nhất), bạn hãy mô tả 3 – 5 gạch đầu dòng cho phần Responsibilities, không cần quá dài nhé.
Tip 3 – dành cho ai biết tiếng Anh và có hồ sơ LinkedIn: Tham khảo hồ sơ LinkedIn mẫu.
Tương tự tip 2, nhưng lần này bạn tham khảo từ hồ sơ có thật của những người cùng làm công việc như bạn trên LinkedIn.
Ví dụ: Bạn gõ “Communication Specialist” và tìm được rất nhiều người cũng làm việc này. Bạn vào hồ sơ của họ xem và chọn lọc những gì cảm thấy gần với công việc của mình nhất, hay nhất.
Đây là hồ sơ LinkedIn của Ngọc:
Viết Achievements (thành tựu) thế nào?
Mục này là mục có thể nói là vừa không bắt buộc, lại vừa bắt buộc.
Bạn không cần phải có mục này, nhưng nó lại giúp bạn trở nên nổi bật và cạnh tranh so với các ứng viên khác. Càng với các vị trí ở các công ty có tính cạnh tranh cao, vai trò của mục này lại càng quan trọng.
Nhiều bạn học viên từng hỏi mình: “Nhưng em thấy công việc của em là công việc hết sức bình thường, với vai trò bé tí. Em chả thấy mình có thành tựu gì.”
Mình sẽ trả lời: “Thật ra ai cũng có thành tựu. Chẳng qua mình có dành thời gian để nghĩ về nó và công nhận nó hay không. Và viết Achievements cũng là nghệ thuật biến vịt hóa thiên nga nữa”. (Mình hay nói đùa là “turn shit into gold” đó các bạn ạ).
Những thứ sau không gọi là Achievements:
- Học được kỹ năng nào đó.
- Học được kiến thức nào đó.
Khi viết Achievement là bạn phải lượng hóa được thành tựu của bạn, có nghĩa là trong đó phải có con số:
- Bạn là best employee of the month / quarter / year (nhân viên xuất sắc nhất tháng / quý / năm).
- Bạn giúp công ty kiếm được bao nhiêu tiền, giành được bao nhiêu hợp đồng, có bao nhiêu khách hàng mới.
- Bạn giúp công ty tiết kiệm được bao nhiêu tiền hoặc thời gian.
- Bạn nghĩ ra quy trình mới, ý tưởng mới (cũng giúp công ty kiếm được thêm xx tiền và / hoặc tiết kiệm được xx tiền / thời gian).
- Nếu bạn tổ chức sự kiện, bạn giúp công ty tăng được độ phủ trên mạng xã hội cho 500,000 người, thu hút 1,000 người tham gia sự kiện.
Ví dụ phần Achievements của mình ở Impactus:
Revenue growth of 300% year on year, 85% of revenue generated from digital marketing campaigns from 8 digital channels (giúp tăng doanh thu mỗi năm 300%, 85% doanh thu đến từ 8 kênh marketing số).
Kể cả bạn có làm công việc admin đi nữa, bạn hoàn toàn có thể nghĩ lại xem mình đã giúp được công ty thế nào và lượng hóa nó.
Khi làm việc này liên tục, nó cũng giúp bạn thường xuyên tự xác nhận thành tích của mình và xây dựng sự tự tin trong bạn nữa đó.
Chia động từ trong CV tiếng Anh
- Với công việc hiện tại: V-ing hoặc V thường, tức là dùng động từ nguyên, không chia hoặc thêm đuôi “ing” sau động từ. Ví dụ: Lead / leading project ABC ….
- Với công việc trong quá khứ: V-ed, tức là chia động từ quá khứ. Rất nhiều bạn, kể cả tiếng Anh tốt, cũng không thực sự biết điều này, hoặc chia động từ sai. Như vậy nhìn CV bị lỗi chính tả rất buồn cười và thiếu chuyên nghiệp.
Như vậy bài này Ngọc đã hướng dẫn cho các bạn rất kỹ Kỹ năng viết CV bằng tiếng Anh và tập trung vào phần quan trọng nhất trong một CV – Work experience.
Ở các bài sau Ngọc sẽ nói tiếp về cách viết phần Contact details (thông tin liên hệ), Education and qualification (Bằng cấp và chứng chỉ), Skills (kỹ năng), Areas of expertise (kiến thức) và các mục khác. Các bạn đón đọc nhé.