Chiến lược và bí quyết tìm việc làm bằng tiếng Anh bao gồm cách viết CV bằng tiếng Anh, trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh v.v. để đặt chân tới các môi trường làm việc quốc tế.
Mình từng trải qua nhiều cuộc phỏng vấn cũng như nghe tường thuật trải nghiệm phỏng vấn từ nhiều mentee. Mọi người hay kể: “Anh/Chị ấy hỏi em câu ABC XYZ này, em nghe chả thấy liên quan gì cả. Không hiểu sao họ lại hỏi vậy? Hay là họ không biết hỏi?” Nghe thì tưởng như nhà tuyển dụng (NTD) không có kỹ năng phỏng vấn phải không bạn?
Đến khi chính mình đi tuyển dụng nhân viên cho công ty của mình, đọc CV và phỏng vấn ứng viên và cũng tự dùng những câu nghe có vẻ không liên quan để hỏi, mình mới vỡ lẽ vì sao họ lại hỏi những câu như vậy.
Vì vậy, bài viết này là để “vén màn” tư duy NTD khi phỏng vấn ứng viên, giúp bạn có sự chuẩn bị tốt, trả lời phỏng vấn cho “khôn”, để lại ấn tượng tốt chứ đừng khiến NTD muốn xịt khói trước những câu trả lời ngô nghê nha. Tội họ lắm đó!
Ví dụ về các câu hỏi phỏng vấn tưởng như không liên quan hoặc vô hại
Ở Việt Nam:
- Nhà em có mấy anh chị em? Em là con thứ mấy? Em có hay bị bắt làm việc nhà không?
- Nhà em ở đâu? Đến đây có xa không?
- Hồi đi học em thích học môn gì?
- Thần tượng của em là ai?
Ở châu Âu:
- What sports do you like? (Bạn thích chơi môn thể thao nào?)
- What did you do in your previous job(s)? (Hồi ở công ty cũ bạn làm cái gì?)
- Which task(s) did you like to do the most?
Điểm chung của những câu hỏi này là nghe rất đơn giản, bạn có thể bỏ qua sự đề phòng và trả lời một cách thành thật, cung cấp đúng thông tin của câu trả lời. Ví dụ như: “Nhà em ở cách đây 10km, xa lắm ạ!” Và vấn đề bắt đầu từ đây. Cụ thể là gì, bạn có đoán được không?
Nếu chưa đoán được, mời bạn tiếp tục đọc nhé. 🙂
Đầu tiên, chúng ta hãy cùng đánh giá xem: Phỏng vấn nằm ở đâu trong quá trình tuyển dụng. Từ đó chúng ta sẽ hiểu: Tâm lý của NTD ở buổi phỏng vấn là gì?
Về cơ bản thì việc tuyển dụng có 2 bước chính: Lọc CV và Phỏng vấn để tìm ra ứng viên phù hợp.
Tâm lý nhà tuyển dụng ở vòng lọc CV:
Từ rất nhiều người thể hiện sự quan tâm tới vị trí đó và gửi CV, họ muốn lọc ra 1 số ít các ứng viên mà nhìn qua hồ sơ (CV + cover letter + bằng cấp v.v.) có vẻ sáng láng và phù hợp với người họ đang cần tìm.
Ở Việt Nam, NTD thường kỳ vọng thu được khoảng 10 – 20 CV, do hiện nay thị trường tuyển dụng ở Việt Nam rất cạnh tranh ở phía nhu cầu tuyển dụng. Nhiều job mà số lượng CV chất lượng không nhiều.
Ngược lại, ở phương Tây, một vị trí có thể nhận tới 300 – 400 CV do sự cạnh tranh từ phía nhu cầu tìm việc. Người tài đến từ khắp nơi trên thế giới, nên CV bạn phải thực sự mạnh và phù hợp mới hi vọng được vào mắt xanh của NTD.
>> Xem thêm tại đây: Hướng dẫn đầy đủ nhất về viết CV tiếng Anh.
Tâm lý nhà tuyển dụng ở vòng phỏng vấn:
Từ các CV ứng tuyển, NTD sẽ muốn chọn ra 3 – 10 ứng viên họ đánh giá có vẻ phù hợp nhất. Nhưng chỉ nhìn CV thì khó mà đánh giá đúng được, vì vậy họ mới muốn gặp trực tiếp ứng viên, nói chuyện với ứng viên và dùng nhiều kỹ thuật giao tiếp để xác định ra người phù hợp nhất.
Ở Việt Nam, thường xuyên xảy ra việc NTD có thể gặp 8 – 10 ứng viên cho 1 vị trí do các CV nhiều khi na ná nhau và ít có người thực sự nổi trội.
Còn ở châu Âu, NTD thường chỉ xác định gặp 3 – 5 người có vẻ ổn nhất mà thôi. Vì vậy, khi bạn được họ mời tới phỏng vấn, đó là 1 tín hiệu rất tốt, coi như bạn đã đặt được 1 chân vào vị trí đó rồi.
Nhưng nếu bước vào cuộc phỏng vấn, cách giao tiếp (cả ngôn từ lẫn phi ngôn từ) và cách thể hiện của bạn có vẻ không đúng với thứ NTD đang hình dung trong đầu về ứng viên phù hợp cho vị trí này thì coi như thất bại.
Đặc biệt là ở phương Tây, bạn chỉ cần có 1 – 2 điểm không phù hợp với các tiêu chí của họ thì cũng xác định luôn là rất khó có cơ hội.
Như đã nói, ở nước ngoài rất cạnh tranh, có rất nhiều người tài và gần như hoàn toàn đáp ứng được tiêu chí của NTD. Nên cuộc phỏng vấn của bạn phải hoàn hảo mới được. Nói đến đây, mình muốn nhấn mạnh từ HOÀN HẢO cho các bạn đi phỏng vấn ở châu Âu.
Nếu bạn phỏng vấn xong và tự cảm nhận “Ôi chết, chỗ này mình thể hiện không được tốt lắm. Chỗ kia đáng lẽ mình có thể nói hay hơn.” Đồng thời có 1 – 2 chỗ “nhưng mà” từ phía bạn hoặc NTD, thì hãy tự xác định khả năng cao là toạch rồi.
Còn nếu bạn phỏng vấn xong và tự cảm thấy rất tốt, rất tự hào về màn thể hiện của mình, cũng như thấy phản ứng từ NTD càng về cuối càng hào hứng muốn chia sẻ thêm với mình, đó là dấu hiệu cho thấy cơ hội của bạn khá cao.
Đọc bài này, mình đoán bạn đã có không ít trải nghiệm phỏng vấn. Bạn cũng tự Google và tự chiêm nghiệm về các câu hỏi phổ biến khi phỏng vấn rồi. Nhưng thực sự thì NTD đang tìm kiếm điều gì?
Đây là 3 câu hỏi đơn giản duy nhất mà mình đảm bảo là mọi NTD ở mọi công ty đều quan tâm đối với mọi vị trí:
- Can you do the job? (Bạn có làm được việc này không?)
- Do you want to do the job? (Bạn có muốn làm việc này không?)
- Are you fit in? (Bạn có phù hợp với môi trường này không?)
Bạn lưu ý: Dù NTD có hỏi giời hỏi bể gì, bản chất họ cũng đang tìm kiếm câu trả lời cho 3 câu hỏi này. Đôi lúc có những câu hỏi mà hỏi 1 câu hỏi giả vờ, để trả lời cho 2 trong 3 câu trên.
Câu hỏi “Can you do the job?”
Đây là câu hỏi quan trọng nhất trong 3 câu. Ủa tuyển được người để đảm bảo người đó làm được việc cho tôi mà, phải không?
Làm thế nào để họ xác định được bạn có thực sự làm được việc không?
Họ sẽ hỏi bạn những câu như:
What did you do in your previous job? / Tell me about your previous job. (Bạn đã làm gì ở công việc trước? / Kể cho tôi về công việc trước đây của bạn.) Câu này hẳn bạn từng nghe rất nhiều ở ngay phần đầu các cuộc phỏng vấn phải không?
Ở đây mình đoán hẳn nhiều bạn nghĩ ngây thơ: “Ủa nhìn CV của mình là biết job trước mình làm gì rồi mà?” Sau đó mô tả sơ qua công việc cũ trong khoảng 3 – 4 câu.
Nếu bạn đã hoặc đang làm như vậy là bạn đã phạm sai lầm chết người.
Ý của họ là họ đang tìm kiếm những gì bạn đã làm liên quan đến yêu cầu cho job mà bạn đang ứng tuyển. Nếu tính chất, mô tả và yêu cầu công việc của job trước có vẻ rất giống với job này thì đây là dấu hiệu cho thấy bạn có khả năng mang kỹ năng và kiến thức cũ để áp dụng ngay vào job mới.
Do đó, nếu câu này bạn không biết cách kết nối job cũ với mô tả và yêu cầu công việc trong JD thì bạn đã fail ngay từ đầu cuộc phỏng vấn.
Một số câu hỏi khác cũng để kiểm tra “Can you do the job?” là:
- What are your strengths? (Điểm mạnh của bạn là gì?) – Các điểm mạnh của bạn có giúp bạn làm tốt job đang ứng tuyển không?
- Tell us about a time when you solved a problem. (Hãy kể ví dụ khi bạn giải quyết 1 vấn đề) – Bạn có năng lực giải quyết vấn đề để xử lý job hiện tại khi khó khăn xảy đến không?
- Em là con thứ mấy trong gia đình? Ở nhà em có hay phải làm việc nhà không? – Xem bạn có phải là người chăm chỉ không. Nếu ở nhà bạn còn chăm thì đi làm hẳn bạn phải chăm hơn nhiều lần.
Bạn còn nghĩ ra các ví dụ khác để kiểm tra câu hỏi này không?
>> Tham khảo cách mình trả lời phỏng vấn: Mình đã tìm được việc Marketing Manager ở Đức thế nào?
Câu hỏi “Do you want to do the job?”
Câu này để xem liệu bạn có thực sự muốn ứng tuyển vào vị trí này, tại công ty này không, hay đơn thuần là đang rải CV. Đây là câu hỏi quan trọng thứ 2.
Còn nếu ở các vị trí cần rất ít kinh nghiệm, có thể là thực tập sinh, nhân viên part time v.v. thậm chí họ còn đánh giá mong muốn làm việc quan trọng hơn năng lực, miễn là bạn chịu khó học hỏi cơ.
Một khi NTD tuyển bạn vào, đồng nghĩa với họ phải chấp nhận nhiều rủi ro khi đầu tư tiền bạc (lương, bảo hiểm, đãi ngộ v.v.) và thời gian (hướng dẫn – đào tạo, làm quen công việc v.v.). Chưa kể nếu chọn sai người, bạn có thể gây ra sai lầm khiến công ty chịu tổn thất.
Vì vậy họ muốn đảm bảo là khi chọn bạn vào, bạn thích công việc và công ty để có thể gắn bó lâu dài, họ sẽ không phải phí thời gian, nguồn lực tuyển dụng, sa thải rồi lại tuyển dụng người thay thế.
Khi bạn thực sự muốn làm job này, đồng nghĩa với 2 việc: i/ Bạn muốn làm vị trí này (và có lí do hợp lí cho nó); ii/ Bạn muốn làm cho tổ chức này (và có lí do hợp lí cho nó).
Vậy nên họ sẽ hỏi bạn những câu như sau để kiểm tra liệu bạn có thực sự muốn làm ở vị trí này và cho tổ chức này không:
- Why are you interested in this job? (Tại sao bạn quan tâm đến công việc này?) – Thường bạn phải thấy là mình vừa làm được việc này (do bạn từng làm nhiều việc tương tự rồi), vừa muốn làm (có thể do nó mở thêm đất cho bạn phát triển), vừa muốn làm cho tổ chức này (vì bạn thích ngành đó, hoặc từng làm ngành đó nhiều năm rồi và thấy hợp, đồng thời lại thấy cách tổ chức này quản lý rất tốt chẳng hạn).
Tóm lại là lí do của bạn nghe phải thật và có dẫn chứng cụ thể trong quá khứ, chứ nói khơi khơi họ sẽ không tin đâu, nhất là ở châu Âu.
- What do you know about our company? (Bạn biết gì về công ty chúng tôi?) – Câu này nghe vô thưởng vô phạt, nhưng là để xem bạn có thực sự quan tâm đến tổ chức hay không. Mình từng phỏng vấn nhiều ứng viên dù gửi CV và cover letter nghe rất thống thiết nhưng không biết gì về tổ chức cả, từ năm thành lập, lĩnh vực kinh doanh, tên CEO v.v.
- Where do you see yourself in 5 years? (Bạn thấy bạn ở đâu trong 5 năm tới?) – Câu này hồi trước mình ghét cay ghét đắng nếu bị hỏi, vì cảm thấy không thực tế. Thời buổi này chẳng có ai biết trước sau 5 năm mình sẽ làm gì.
Đến như chồng mình, Giám đốc Tài chính, rất hay dùng câu này để hỏi ứng viên, nhưng khi bị mình hỏi thì bảo: “Năm sau làm gì anh còn không biết nữa là.”
Thật ra NTD cũng không thực sự quan tâm đến chuyện bạn muốn làm gì sau 5 năm, hay việc bạn có đang trả lời thành thật không. Cái họ muốn nghe là mối liên kết giữa job bạn đang ứng tuyển với lộ trình 5 năm của bạn.
Ví dụ như nếu đây là 1 công việc Sales Manager, mà lộ trình của bạn sau 5 năm là trở thành Sales Director, thì đây là 1 bước tiến hợp lí giúp bạn gần hơn tới mục tiêu lâu dài.
Nhưng nếu đây là 1 công việc Operation Manager mà bạn lại muốn trở thành Marketing Director sau 5 năm thì rõ ràng bạn đang không thực sự quan tâm tới job đang ứng tuyển này.
Có rất nhiều người không hiểu bản chất câu hỏi này, trả lời thật thà hay không khôn ngoan là lộ ngay ra việc họ không thực sự muốn làm job họ đang ứng tuyển.
Ví dụ thực tế của mình: Gần đây mình ứng tuyển cho vị trí Product Marketing Manager cho 1 công ty phần mềm ô tô ở Đức thuộc tập đoàn Continental (1 tập đoàn rất lớn sản xuất lốp ô tô trên thế giới).
Vị trí này sẽ phụ trách marketing cho 1 dòng sản phẩm phần mềm nghe rất kỹ thuật và mình thật ra vốn không thích các sản phẩm kỹ thuật, do đó mình không nghĩ tới việc tìm hiểu trước xem sản phẩm đó là cái gì. Như vậy thực ra mình đâu có quan tâm đến lĩnh vực đó và công ty đó.
Khi phỏng vấn lúc đầu mình hót khá hay, NTD bắt đầu tỏ ra thích thú với mình. Nhưng đến khi họ hỏi: “Please explain in 1 sentence how you understand the name of the product.” (Hãy dùng 1 câu giải thích nghĩa của sản phẩm).
Đến đây mình ớ người ra, không biết và chống chế bằng 1 câu trả lời mà mình biết chắc là lộ ra mình không quan tâm rồi. Và y như rằng, sau phỏng vấn họ đã từ chối mình.
Ngoài ra còn các câu như:
- Why did you leave your previous job? (Vì sao bạn nghỉ công việc trước đây?)
- Why do you want to work in this field? (Vì sao bạn lại muốn theo đuổi lĩnh vực này?)
- How do you find the way here? Is it not too far? (Bạn thấy đường từ nhà đến đây có xa không?) – Chỗ này nếu mồm nhanh hơn não, trả lời: “Xa quá, đi vất thật” là sơ hở rồi.
Bạn còn nghĩ được các ví dụ nào khác “trá hình” cho câu hỏi này không?
Câu hỏi “Are you fit in?”
Đây là câu hỏi quan trọng thứ 3, để xem liệu phong cách và cá tính của bạn có phù hợp với văn hóa tổ chức không.
Ví dụ như nếu bạn thích sự thận trọng, chắc chắn, chuyên nghiệp, chỉn chu, theo quy trình rõ ràng thì bạn phù hợp với môi trường big corp, các công ty lớn, toàn cầu, nhất là các công ty kiểm toán, ngân hàng, tư vấn B2B.
Còn nếu bạn theo phong cách thoải mái, cởi mở, không coi trọng / không thích quy trình rườm rà, thích nhanh gọn lẹ thì bạn sẽ phù hợp hơn với môi trường startup hoặc các công ty vừa và nhỏ.
Vậy kể cả bạn có giỏi bằng giời mà phong cách không phù hợp với văn hóa tổ chức thì có vào làm bạn cũng sẽ sớm nhận ra sự không phù hợp và 2 bên sẽ nói lời chia tay.
Họ sẽ dùng cách nào để check câu này:
- Cách bạn ăn mặc khi đến phỏng vấn – Bạn mặc quá formal khi đến công ty startup, hay quá suồng sã khi đến công ty kiểm toán v.v.
- Cách bạn nói năng ở buổi phỏng vấn – Tốc độ nói của bạn rất chậm rãi từ tốn thì có vẻ bạn cẩn thận chắc chắn, còn nếu bạn bắn như gió thì bạn có vẻ hợp với các ngành B2C.
- How do you like your boss and your colleagues? (Bạn thích sếp và đồng nghiệp thế nào?)
- Tell me about the team you worked with in your previous job. (Hãy kể với team bạn làm cùng ở công việc trước đây.)
Ngoài ra bạn còn nghĩ ra các ví dụ nào nữa không?
Đó… Như mình đã nói, dù họ có xoay bạn thế nào đi nữa, bản chất NTD đang tìm kiếm câu trả lời cho 3 câu hỏi trên đây. Vậy bạn hãy nghĩ lại xem: Các câu hỏi bạn từng gặp trước đây là ứng với câu nào trong 3 câu đó? Và bạn đã trả lời đúng thứ NTD tìm kiếm hay chưa, hay là do không hiểu ý đồ câu hỏi nên trả lời sai trọng tâm?
Chúc bạn may mắn lần sau nhé!