Bài này sẽ hướng dẫn cho các bạn cách viết CV bằng tiếng Anh đầy đủ nhất Việt Nam. Mình tin là nếu các bạn thực hiện đúng các hướng dẫn trong bài, cũng như đọc thêm nhiều bài viết khác liên quan của mình, bạn có thể đạt tới tỉ lệ 50% (10 lần gửi CV thì 5 lần được gọi phỏng vấn) ở Việt Nam.
Đây là bài đầu tiên trong chùm bài Hướng dẫn đầy đủ cách viết CV tiếng Anh của mình.
Mình có thể tự tin nhận rằng: Tại blog của mình, các bạn sẽ tìm được hướng dẫn đầy đủ nhất về cách viết CV bằng tiếng Anh ở Việt Nam.
Mình dám tự nhận như vậy bởi bản thân mình đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm liên qua ở các vai trò khác nhau:
- Kinh nghiệm ở vai trò người tìm việc:
12 năm kinh nghiệm viết CV và ứng tuyển thành công ở UK, Việt Nam và gần đây nhất là Đức, một thị trường tuyển dụng khó tính bậc nhất châu Âu. Chỉ sau 3 tháng ứng tuyển online, mình đã tìm được việc ở Đức từ khi còn ở Việt Nam.
Đây là thành tích hi hữu, bởi tìm việc ở châu Âu thực sự là rất khó khăn, ngay cả với người bản xứ (bạn nào đã từng tìm việc ở phương Tây sẽ hiểu).
Mình làm được vậy bởi mình hiểu điểm cốt lõi giúp tìm việc thành công là gì.
Mình cũng từng gặp nhiều khó khăn khi tìm việc ở UK và Việt Nam, vì vậy mình rất hiểu sự hoang mang và lo lắng của các bạn, khi mà rải hồ sơ hàng loạt mà cứ ngóng nhà tuyển dụng phản hồi như Hòn vọng phu.
- Kinh nghiệm ở vai trò mentor và người dạy kỹ năng tìm việc:
Trong 5 năm qua, mình là founder / CEO của Học viện Impactus, giúp hướng nghiệp và đào tạo kỹ năng tìm việc cho người trẻ Việt Nam. Mình là người xây dựng chương trình cũng như đứng lớp và mentor cho rất nhiều bạn trẻ Việt Nam để định hướng sự nghiệp và tìm việc.
Nhờ sự hướng dẫn của mình, nhiều mentee đã ứng tuyển thành công vào các tổ chức lớn như United Nations, Big 4, các tập đoàn ô tô, logistics v.v.
Do đó, mình rất hiểu những lỗi phổ biến “chết người” cũng như khó khăn mà các bạn trẻ thường gặp phải, và biết cách hướng dẫn cho các bạn tự vỡ ra, tự khắc phục.
- Kinh nghiệm ở vai trò nhà tuyển dụng:
Cũng trong 5 năm này, mình là CEO nên tham gia nhiều vào quá trình tuyển dụng nhân sự cho chính công ty của mình. Những năm đầu, mình đích thân là người viết bản mô tả công việc (Job Description), đi đăng tuyển nhân sự trên các kênh tuyển dụng, lọc hồ sơ, phỏng vấn, viết offer letter, thương lượng lương v.v.
Vì vậy mình có kinh nghiệm của người làm Nhân sự. Khi lọc CV, mình hiểu nhà tuyển dụng sẽ tìm kiếm điều gì. Khi phỏng vấn, mình biết nhà tuyển dụng sẽ hỏi câu gì, vì sao họ lại hỏi như vậy và các kỳ vọng ẩn giấu dưới những câu hỏi đó.
Chính vì kinh nghiệm ở cả 3 vai trò: người tìm việc – nhà tuyển dụng – người hướng dẫn tìm việc, mình tự tin là các chia sẻ của mình sẽ tổng quát, đi vào bản chất và đầy đủ nhất.
(Bạn nào có sử dụng lại bài viết của mình thì vui lòng trích nguồn đầy đủ nhé! Đặc biệt nếu bạn sử dụng lại với mục đích thương mại, hãy đọc lưu ý về Pháp lý của mình tại đây.)
Contents
Cách viết CV bằng tiếng Anh
Thực ra, dù viết CV bằng tiếng gì đi nữa, đầu tiên bạn cũng cần hiểu các nguyên tắc cơ bản của việc viết CV và quá trình tìm việc nói chung. Những điểm này mình khuyến khích tất cả các bạn, dù ở Việt Nam hay châu Âu đều rất nên đọc để hiểu bản chất.
Góc nhìn từ nhà tuyển dụng: Nguồn gốc của CV – CV ở đâu trong quá trình tuyển dụng?
Có câu “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Bạn đã bao giờ đặt ngược vấn đề để xét về góc nhìn của nhà tuyển dụng chưa?
Đây là quy trình tuyển dụng tiêu chuẩn cho một vị trí mới:
Bước 1: Soạn JD (bản mô tả công việc)
Khi công ty có nhu cầu tuyển dụng nhân sự, thường sẽ xuất phát từ nhu cầu kinh doanh mà Giám đốc hoặc Quản lý bộ phận đề đạt mong muốn tuyển dụng lên Ban Giám đốc và bộ phận HR, cụ thể là:
- Cần tuyển vị trí nào? Bao nhiêu người? Dải lương phù hợp
- Mô tả phạm vi công việc (scope of work)
- Các yêu cầu về kinh nghiệm, kỹ năng (kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm), kiến thức, phẩm chất, thái độ v.v. (Mình có viết bài phân tích kỹ về chủ đề này tại đây)
Khi nộp đề xuất lên, nếu dải lương cao quá ngân sách và chính sách lương của công ty, Ban Giám đốc và Nhân sự sẽ không duyệt, và quản lý bộ phận sẽ phải thương lượng để thống nhất dải lương hợp lý cho vị trí đó.
(Đến đây bạn hiểu vì sao có những vị trí bạn có muốn thương lượng lương lên cao cũng không được rồi chứ? Vì nó còn phụ thuộc vào chính sách lương và năng lực tài chính của công ty nữa.)
Sau khi thống nhất xong, Nhân sự sẽ sử dụng bản đề xuất đó và bổ sung thêm một số điểm liên quan tới sự phù hợp với văn hóa công ty vào, hoặc sử dụng luôn, thêm logo, letterhead công ty v.v. và cho ra đời bản cuối cùng. Đó chính là BẢN JD – MÔ TẢ CÔNG VIỆC như chúng ta đã biết.
Dưới đây là ví dụ về một bản JD mình tham khảo trên Vietnamworks.
Như vậy, khi Quản lý bộ phận và HR đăng JD đó, trong đầu họ đã có một hình dung khá rõ ràng về ứng viên phù hợp cho vị trí này rồi.
Chính vì vậy, nếu bạn không thể hiện được trong CV (và sau này là trong buổi phỏng vấn) rằng bạn rất hiểu các yêu cầu của họ và bạn đạt được hết các yêu cầu họ đang tìm kiếm, bạn sẽ không bao giờ được gọi đi phỏng vấn.
Lỗi này khi soi chiếu sang góc nhìn của ứng viên là:
Không chịu đọc kỹ và phân tích JD, do đó không hiểu nhà tuyển dụng đang tìm kiếm điều gì, liệu công việc đó có phù hợp với mình không.
Đọc thêm về các bài viết khác liên quan tới Kỹ năng làm việc của mình.
Bước 2: Đăng JD để tìm ra càng nhiều lựa chọn ứng viên càng tốt
Để làm được điều này, họ phải rải JD lên rất nhiều kênh. Hiện nay các kênh ở Việt Nam có thể là trang tìm việc (như Vietnamwork, TopCV), mạng xã hội (Facebook, LinkedIn), giới thiệu v.v.
Còn ở châu Âu, tùy từng nước sẽ có các kênh tuyển dụng phổ biến khác nhau. Ở UK là Indeed, Reed, Monster, ở Đức là Stepstone, Glassdoor v.v. LinkedIn cũng là một kênh tuyển dụng và tìm việc rất phổ biến.
Bước 3: Thu thập càng nhiều lựa chọn ứng viên càng tốt
Vì lẽ đời đơn giản là có càng nhiều lựa chọn thì chúng ta mới lọc được ra lựa chọn tốt nhất mà! (Giống như lấy vợ lấy chồng được thì chúng ta phải đi hẹn hò càng nhiều đối tượng càng tốt. Chứ ai mới yêu 1 người đã lấy thì sau này hay tiếc rẻ lắm. 😂)
Và để có nhiều lựa chọn thì ta không thể gặp mặt hết các đối tượng được, mà phải yêu cầu họ gửi qua bản giới thiệu về mình, rồi ta đọc 1 lượt. Đọc qua thấy người đó có vẻ hợp với mình và nhu cầu của mình thì sẽ quyết định gặp mặt trực tiếp.
Đó chính là vai trò của chiếc CV trước khi phỏng vấn đó các bạn. Trong 1 – 2 trang giấy, họ phải thấy bạn CÓ VẺ HỢP, hoặc là CÓ VẺ HAY HO, thì họ mới muốn gọi bạn đi phỏng vấn cho đỡ tốn công.
Tạm thời bài này mình dừng ở bước này trong quá trình tuyển dụng thôi đã nhé.
Như vậy, tư duy của HR khi đọc và lọc CV là:
Tìm người PHÙ HỢP với nhu cầu của vị trí và công ty. Đó là điều kiện cần.
Sau khi lọc ra được 1 số người nhìn trên CV có vẻ phù hợp, họ sẽ gọi đi phỏng vấn để chọn ra 3 người PHÙ HỢP NHẤT. Và trong điều kiện lí tưởng, HR sẽ chọn người TỐT NHẤT trong số những người PHÙ HỢP NHẤT.
Kết luận 1:
Việc bạn cần làm với cái CV là: Đảm bảo nó PHÙ HỢP với nhu cầu của vị trí đó. Có nghĩa là bạn cần viết CV thế nào để PHÙ HỢP với cái JD.
Làm được điều này, bạn đã tăng xác suất được gọi đi phỏng vấn lên 40% rồi.
Bản chất của viết CV giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh và quá trình tìm việc nói chung
Như đã nói ở trên, mình từng là CEO nên mình đã có ít nhất 5 năm làm Sales (bán hàng). Mình đã rút ra được là: Quá trình tìm việc rất giống quá trình bán hàng. Bạn có tin không?
Hãy xem so sánh dưới đây:
Mình còn có thể liệt kê ra rất nhiều chi tiết khác, để bạn thấy: Quá trình tìm việc chính là một quá trình bán hàng, mà ở đây sản phẩm thuộc loại “vô giá”. Chính là BẠN!
Để đảm bảo bạn bán được hàng, thì bạn phải cho người mua thấy:
- Bạn PHÙ HỢP với nhu cầu của họ (trùng với Kết luận 1).
- Sản phẩm của bạn (chính là BẠN) không những PHÙ HỢP, mà còn có chất lượng tốt. Thậm chí tốt nhất trên thị trường.
Từ đây ta có Kết luận 2:
Việc tiếp theo bạn cần làm tiếp theo với cái CV: chứng tỏ bạn là người CÓ NĂNG LỰC.
Như vậy, một CV hiệu quả cần đạt được 2 yêu cầu quan trọng sau:
- PHÙ HỢP với nhu cầu của vị trí đó, tại công ty đó. Bạn cần viết CV sao cho nó vô cùng LIÊN QUAN đến bản JD (Mình có nhắc tới tầm quan trọng của sự LIÊN QUAN ở bài viết này rồi).
Sự PHÙ HỢP / LIÊN QUAN này là yếu tố quan trọng hàng đầu khi viết CV.
Để mình nhấn mạnh thêm vài lần cho các bạn khắc cốt ghi tâm:
Sự PHÙ HỢP / LIÊN QUAN này là yếu tố quan trọng hàng đầu khi viết CV.
Sự PHÙ HỢP / LIÊN QUAN này là yếu tố quan trọng hàng đầu khi viết CV.
Sự PHÙ HỢP / LIÊN QUAN này là yếu tố quan trọng hàng đầu khi viết CV.
Sự PHÙ HỢP / LIÊN QUAN này là yếu tố quan trọng hàng đầu khi viết CV.
Sự PHÙ HỢP / LIÊN QUAN này là yếu tố quan trọng hàng đầu khi viết CV.
- Ứng viên GIỎI / CÓ NĂNG LỰC: chứng tỏ qua bề dày kinh nghiệm, vị trí công việc hiện tại và trước đây (job title), bộ kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm xịn, kiến thức chuyên môn tốt, thái độ tốt, ngoại ngữ v.v.
Bạn đoán thử xem giữa hai yêu cầu này, cái nào quan trọng hơn?
Như bạn thấy, mình lặp đi lặp lại chữ PHÙ HỢP, LIÊN QUAN đúng không? Đây là yếu tố quan trọng nhất giúp bạn được gọi đi phỏng vấn, và sau đó là giành được công việc.
Ấy thế mà rất ít người làm được điều này nhé. 100% mentee và học viên của mình không biết đây là yếu tố quan trọng nhất và không dành công sức để điều chỉnh CV cho phù hợp với công việc ứng tuyển. (ngạc nhiên chưa?)
Bạn từng nghe nhiều người làm HR nói “Tuyển người phù hợp nhất, không tuyển người giỏi nhất” chưa?
Bạn từng thấy nhiều ngôi sao bóng đá được tuyển mộ về một đội bóng và không phù hợp với văn hóa, triết lý và chiến lược bóng đá ở đó, kết quả là cả đội vỡ trận chưa?
Nếu một người rất giỏi và phong cách chỉn chu, đạo mạo, chậm rãi vào làm một công ty startup thì phong cách hai bên phang nhau chan chát. Ngược lại, một người thích sáng tạo và tự do mà bị bắt vào ngân hàng làm thì đúng là thảm họa.
Kể vui cho các bạn trải nghiệm đi phỏng vấn của mình. Hồi đó mình được một bạn headhunt giới thiệu vị trí làm Sales cho một tập đoàn lớn của Đức trong mảng Manufacturing (sản xuất). Bạn ấy có nói “Vị trí này người ta cần một người chin chắn, chững chạc chị ạ.”
Mình nghĩ thầm “Mình thừa sức thể hiện sự chín chắn, chững chạc.”
Hôm đó, mình ăn mặc rất chất chơi đi phỏng vấn (vì nghĩ là làm Sales thì ngoại hình quan trọng mà). Tóc ngắn vuốt keo dựng ngược, mặc váy da.
Đến nơi, bạn HR chưa kịp nghe mình mở mồm nói gì, nhìn mình cái đã kết luận là mình không phù hợp.
Mặc cho mình nói đủ thứ, bạn vẫn một mực khẳng định: “Mình rất ấn tượng với Ngọc, nhưng mình nghĩ là Ngọc không phù hợp với vị trí này đâu. Nhìn Ngọc mình nghĩ hợp với Truyền thông hơn.”
Té ra là vị trí đó toàn phải về quê, làm việc với các bác ở làng nghề. Vì thế người phù hợp sẽ là người ăn mặc giản dị, nói năng già dặn, trầm tính cơ. Phong cách mình như thế thì đúng là không hợp rồi.
Bảo sao bạn HR nhìn mình một cái đã kết luận luôn.
Vì vậy nhiều trang hướng dẫn bạn làm thế nào để viết CV ấn tượng, như vậy là không chuẩn đâu nhé. Hãy quên việc làm CV của mình ấn tượng đi.
Thay vào đó, hãy làm CV của mình PHÙ HỢP và LIÊN QUAN.
Ngoài ra, đã là CV thì hãy làm cho nó thật ngắn gọn, tối đa 2 trang giấy A4.
Nếu bạn có dưới 3 năm kinh nghiệm thì hãy gói gọn trong 1 trang, còn kể cả 10 – 20 năm kinh nghiệm thì cũng chỉ 2 trang thôi nhé. Bạn có thể đọc thêm ở bài này để hiểu vì sao.
Túm cái váy, hết bài này thì mình mong bạn nhớ 3 yêu cầu của một CV (dù là tiếng Anh hay tiếng Việt):
- PHÙ HỢP / LIÊN QUAN với JD (Relevance) – quan trọng nhất
- Thể hiện những điểm tốt nhất của bạn (Sales-oriented) – quan trọng nhì
- Ngắn gọn – rất nên (Nhưng không có thì cũng không đến nỗi chết. Không phù hợp thì sẽ chết ngay!)
Nếu bạn thể hiện được sự PHÙ HỢP thì tỉ lệ được gọi đi phỏng vấn của bạn đã tăng đến 40% rồi. Mình đảm bảo đấy!
Tuy nhiên, nếu bạn muốn ứng tuyển cho những công ty hàng đầu như Google, Facebook, Unilever, các ngân hàng đầu tư Wall Street v.v. thì khi đấy yếu tố GIỎI, XUẤT SẮC, ẤN TƯỢNG lại trở nên vô cùng quan trọng nhé.
Lí do là họ nhận được vô cùng nhiều hồ sơ, và có rất nhiều người vừa phù hợp vừa giỏi. Khi ấy bạn phải giỏi hơn họ thì mới cạnh tranh được.
Trên đây là những yếu tố nền tảng rất cần bạn nắm được để chúng ta chuyển sang nội dung chính trong bài sau: Cách viết CV bằng tiếng Anh.
Hãy chờ đợi bài sau của mình với các nội dung: trình tự viết CV bằng tiếng Anh, các mục bắt buộc phải có, viết CV thế nào cho liên quan và phù hợp với JD, các sử dụng các “strong word” – từ mạnh – khi viết CV bằng tiếng Anh v.v. nhé.
Cảm ơn bạn đã đọc bài.
1 comment
Đó là lý do vì sao mà em loay hoay nộp resume các nơi không được gọi, tới tay chị Ngọc là được phỏng vấn liền.