Nhiều bạn trẻ sau khi làm một việc được vài tháng, chán là quyết định nghỉ việc, sau đó trong quá trình tìm việc, nhìn thấy một việc “nghe có vẻ hay”, thế là làm. Và rồi lại chán, lại nghỉ. Cái vòng này lặp đi lặp lại vài năm, mãi bạn vẫn loay hoay với câu hỏi: “Đâu mới là công việc dành cho mình?” Thật ra một quyết định chuyển việc cần được cân nhắc kỹ.
Ngành và Nghề – hai khái niệm cơ bản trong Định hướng sự nghiệp
Hai khái niệm này mọi người nghe nhiều rồi, nhưng mình thấy rất nhiều bạn (kể cả vài năm kinh nghiệm) vẫn còn lẫn. Thực chất đây là hai thứ hoàn toàn khác nhau nhé.
Đọc các bài khác của mình về Lập kế hoạch sự nghiệp.
Contents
Ngành là gì?
Mình quan sát thấy từ “ngành” có nhiều cách hiểu, tùy theo góc nhìn của người sử dụng từ này.
“Ngành” đối với các bạn sinh viên thì là ngành học (major), tức là chuyên môn học ở trường Đại học.
“Ngành” đối với người đi làm như chúng ta đây là tập hợp những người làm cùng một chuyên môn, ví dụ như ngành Marketing, ngành Sales, ngành Finance v.v.
“Ngành” đối với người làm Tuyển dụng hoặc Headhunt thì lại là industry, bao gồm tập hợp các công ty cung cấp cùng một loại sản phẩm, dịch vụ. Ở trong bài này, mình định nghĩa “ngành” theo góc nhìn của những người làm Tuyển dụng hoặc Headhunt.
Sở dĩ mình chọn góc nhìn của người Tuyển dụng, để bạn đọc đánh giá dưới quan điểm của nhà tuyển dụng.
Harvard Business School xếp ra 60 ngành trên đời này. Thật ra trên đời có bao nhiêu ngành thì không ai dám khẳng định, vì mỗi nguồn lại có cách xếp loại khác nhau. Nhưng hãy hiểu là trên đời có khoảng từ 50 – 100 ngành.
Ví dụ về các ngành: Bất động sản, Tài chính – Ngân hàng, Du lịch, Giáo dục – Đào tạo v.v.
Ngành Bất động sản bao gồm toàn bộ các công ty cung cấp các sản phẩm – dịch vụ liên quan đến bất động sản. Trong mỗi ngành này lại có các ngành con. Ví dụ ngành Bất động sản gồm các ngành con là Xây dựng nhà cửa, Kiến trúc, Thi công nguyên vật liệu v.v.
Ngành Ô tô thì gồm các ngành con như Sản xuất ô tô, Sản xuất các linh kiện thiết bị cho ô tô, Thiết kế ô tô v.v. Impactus của mình thì thuộc ngành Giáo dục – Đào tạo, gồm các trường trung học, Đại học, trường nghề, các trường tư, các cơ sở đào tạo tư nhân v.v.
Ngành Tài chính – Ngân hàng bao gồm các ngân hàng, các công ty tài chính như quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, công ty tư vấn tài chính v.v.
Việc hiểu về ngành thì có ý nghĩa gì cho bạn trong quá trình chọn việc và định hướng sự nghiệp?
Nếu bạn chọn một công ty trong một ngành đang là xu thế, thì xác suất công ty đó phát triển lên sẽ cao hơn. Bạn gắn bó với công ty đó thì sau này khi công ty phát triển quy mô, bộ phận bạn làm cũng sẽ nở ra và bạn sẽ có các cơ hội để thăng tiến cùng sự phát triển của công ty.
Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ chọn làm cho các công ty IT, vì IT sẽ là xu thế của thế giới trong thập kỷ tới. Các công ty IT kinh doanh rất tốt, có tiềm lực tài chính, có khả năng phát triển quy mô cực nhanh. Bạn sẽ có rất nhiều cơ hội.
Việc hiểu đặc điểm của ngành cũng giúp bạn chọn được công ty phù hợp với khuynh hướng của bản thân. Ví dụ như mình tự thấy hợp với các ngành B2C hơn là B2B, lại có những người ngược lại.
>> Xem thêm Hướng dẫn đầy đủ của mình về cách viết CV tiếng Anh để nâng cao tỉ lệ gọi phỏng vấn
B2B và B2C
Chỉ cần hiểu được sự khác nhau giữa các ngành B2B (Business to Business) – những công ty có khách hàng là doanh nghiệp, với B2C (Business to Customer) – những công ty có khách hàng là người tiêu dùng lẻ, sau đó tự xem lại khuynh hướng của bản thân cũng cho bạn rất nhiều thông tin.
(Nguồn: thebalancesmb.com)
B2B trang trọng, thận trọng, chắc chắn, chú trọng tính chính xác khi giao tiếp
Các công ty B2B có khách hàng là doanh nghiệp. Như vậy thì hàng ngày họ sẽ tiếp xúc với khách hàng là các quản lý, giám đốc, CEO của các doanh nghiệp – những người rất giỏi cả về chuyên môn lẫn kỹ năng giao tiếp.
Vì vậy, người làm trong công ty B2B cũng phải có sự chín chắn, trầm tĩnh, điềm đạm. Phong cách làm việc và cách giao tiếp nói năng cần thận trọng, chắc chắn thì mới xử lý được khách hàng.
Khi bán hàng cho doanh nghiệp, họ cũng cần lưu ý cung cấp cho khách hàng các thông tin mang tính “fact-based” – khách quan, chính xác.
Muốn thuyết phục doanh nghiệp thì nên hạn chế sử dụng các kỹ thuật gợi cảm xúc khi bán hàng vì khách hàng sẽ nhìn ra ngay. Văn hóa chung là mọi người hay bàn đến lợi ích kinh tế như tiết kiệm được bao nhiêu thời gian, tiền và nguồn lực.
Các công ty B2B cũng có văn hóa trang trọng từ cách ăn mặc đến bài trí văn phòng. Vì vậy, cách họ làm Marketing – Truyền thông cũng yêu cầu độ trang trọng và tính chính xác cao, đến từng chi tiết nhỏ.
Ví dụ: Những công ty Manufacturing (sản xuất) thì có chức năng là sản xuất ra máy móc, thiết bị v.v. nên đặc điểm là thường ở các nhà máy, làm việc với máy móc – thiết bị. Văn hóa thường là giản dị và “già”, không đặt nặng về cách ăn mặc phải “ăn chơi sành điệu” mà cần lịch sự, trang trọng.
Lĩnh vực Manufacturing thì khách hàng của họ là các doanh nghiệp cần mua máy móc, thiết bị về để phục vụ cho việc sản xuất mặt hàng của họ (B2B – Business to Business). Vì vậy bạn sẽ cần những người làm Sales / Marketing theo hướng trầm tĩnh, chắc chắn, thận trọng. Cách giao tiếp hay làm truyền thông với khách hàng thì cần hạn chế bám theo cảm xúc mà phải cung cấp nhiều thông tin chính xác.
Để mình kể cho các bạn câu chuyện mình đi phỏng vấn.
Cách đây vài năm, mình ứng tuyển cho vị trí Sales ở công ty Thyssenkrupp, một công ty Manufacturing rất lớn của Đức thông qua một công ty headhunt ở Việt Nam.
Bạn headhunter chia sẻ với mình: “Họ thích ứng viên chín chắn già dặn chị ạ.” Mình nghĩ bụng: “Mình cũng chín chắn già dặn mà.”
Hôm phỏng vấn, vì nghĩ là vị trí Sales phải gặp khách hàng, mình ăn mặc sành điệu, váy da, tóc ngắn vuốt keo trông rất chất.
Đến nơi, bạn HR vừa nhìn thấy mình, chưa kịp nghe mình mở mồm đã kết luận là mình không phù hợp với vị trí này. Sau đó, mặc cho mình cố gắng đưa ra rất nhiều luận cứ để thuyết phục, bạn vẫn nói: “Ngọc phù hợp với ngành Truyền thông hơn.”
Lúc đó mình chưa hiểu vì sao, nhưng sau này mới thấy bạn đó nói đúng. Vị trí này chủ yếu đi về làng, gặp gỡ những người thợ để thuyết phục họ mua nguyên vật liệu, nên cần một người giản dị, ăn nói cũng giản dị, chắc chắn.
Còn phong cách của mình thì sao? Ăn mặc thời trang, phong cách và cách nói chuyện rất nhanh, không phù hợp với đặc điểm ngành (nôm na là không phải “gái ngành” đó bạn).
B2C thân thiện, cảm xúc hơn, guồng quay nhanh
Sau cuộc phỏng vấn đó, mình mới rút ra kết luận: Phong cách của mình là nhanh. Thích guồng quay công việc nhanh, nói nhanh, nghĩ nhanh, làm nhanh, nói chuyện dễ hiểu, đi thẳng vào vấn đề.
(Nguồn: The Balance)
Đặc điểm này thích hợp với những ngành B2C (Business to Customer), tiếp xúc với người tiêu dùng, bán những sản phẩm cho người tiêu dùng, nơi mà quyết định mua hàng thường nhanh hơn nhiều so với ngành B2B.
Các ngành B2C thường là ăn uống (Food & Beverage), thời trang (Fashion), làm đẹp (beauty), du lịch (Tourism), tập thể thao (Fitness) v.v.
Để làm việc với khách hàng trong ngành này, bạn trông cần bớt trang trọng đi (đôi lúc có thể ăn chơi nếu làm về thời trang), phải thích guồng quay chóng mặt khi làm việc, thích tạo dựng mối quan hệ thân thiện gần gũi với khách hàng, thích thúc giục khách hàng ra quyết định mua hàng ngay lập tức, vì vậy cần nhiều “chiêu trò” để đánh vào cảm xúc của khách hàng, thay vì đưa ra các thông tin khách quan, đôi lúc khô khan.
Hiểu được “ngành” là gì sẽ giúp bạn điền được vào vòng tròn số 2 và số 3 trong bài “5 vòng tròn định hướng sự nghiệp” của mình.
Trong các bài sau, mình sẽ chia sẻ về việc chọn nghề – mình thấy là điều quan trọng nhất đối với người mới ra trường, và đi sâu bàn về các ngành – nghề cụ thể. Các bạn đón đọc nhé.
Xem 3 công cụ giúp định hướng nghề nghiệp: