Sang Tây đi làm được hơn 1 năm thì mình nhận ra ở bên này cách nói chuyện của mọi người trong công sở có 1 số điểm khác ở Việt Nam. Cùng là Tây nhưng từ ngữ họ dùng khi ở Việt Nam nghe cũng không “nguy hiểm” như ở bên này. Rồi là trong 1 buổi họp, ai cũng rất thích nói, tranh thủ nói nhiều, nói nhanh, nói liên tục. Mình mà không có gan cắt đứt mạch nói để cướp lời và tự tin nói hay thì rất dễ bị choáng ngợp và lọt thỏm, không ai để ý.
Vì vậy trong bài này mình tập hợp danh sách 1 số từ mà đồng nghiệp và các sếp rất thích dùng khi họp nội bộ team và họp giữa các phòng ban. Các bạn có thể bỏ túi để khi họp nâng độ nguy hiểm hoặc khéo léo cho bản thân.
>> Đọc thêm hướng dẫn viết CV tiếng Anh siêu đầy đủ của mình.
Contents
1. Align: tương đương với từ “agree” hay thống nhất
Từ này rất hay được dùng khi bạn cần thống nhất kế hoạch, lấy ý kiến phản hồi từ vô số phòng ban khác nhau để ra được bản kế hoạch cuối cùng trước khi toàn bộ những người có liên quan bắt tay vào triển khai.
Đáng lẽ người ta có thể dùng từ “agree” nhưng các sếp thích dùng từ “align” hơn, nghe nó nguy hiểm và cao cấp hơn thế nào đó.
Ví dụ: Mình đang triển khai 1 chiến dịch marketing cần sự đồng ý và phối hợp với team Communication ở trụ sở chính cũng như từ Giám đốc và team Marketing & Communication của hơn 30 văn phòng trên thế giới. Mình cần phải xây ra 1 bản kế hoạch triển khai, sau đó thuyết trình cho các sếp và nội bộ ở trụ sở chính, thu thập ý kiến để sửa 1 lần.
Sau đó mình lại mang bản sửa đó đi thuyết trình cho hơn 30 văn phòng đó, lấy ý kiến rồi sửa lần 2. Cuối cùng mình mới ra được bản kế hoạch hoàn thiện. Đó là kết quả của quá trình mình đi “align” với toàn bộ những ai liên quan đến dự án về kế hoạch và cách thức triển khai. Từ này được nhắc đi nhắc lại trong đề xuất với sếp và bản thuyết trình, vì “alignment” là 1 việc quan trọng để đảm bảo 1 dự án có nhiều người liên quan được phối hợp hiệu quả.
2. I look forward to working with you
Câu này nghe có vẻ phổ biến và ai cũng biết khi dùng trong cover letter, nhưng nó cũng là 1 câu rất thần thánh khi bạn mới gặp ai đó và không biết nói gì với họ.
Ví dụ: Bạn mới vào công ty và cần viết email tự giới thiệu bản thân với phòng ban. Bạn xuất hiện trong cuộc họp công ty với vài trăm nhân viên. Bạn dự cuộc họp đầu tiên với khách hàng / nhà cung cấp….
Bạn đã bao giờ rơi vào tình cảnh: Sau khi giới thiệu qua tên và chức vụ, bạn không biết làm thế nào để “kết luận” cho duyên dáng? Chính mình cũng bị nhiều lần như vậy.
Câu “I look forward to working with (all of) you” kèm 1 nụ cười khả ái là cách kết luận cực đơn giản lại lịch sự và duyên dáng, áp dụng được cho tất cả các loại đối tượng, từ sếp đến nhân viên, khách hàng và nhà cung cấp.
>> Đọc thêm hướng dẫn viết CV tiếng Anh siêu đầy đủ của mình.
3. Các từ mang nghĩa đề xuất, cho lời khuyên
Chúng ta có 1 số từ hay được dùng như “suggestion, recommendation, proposal, advice”. Mình hay dùng các từ này như sau:
“Propose / proposal”: Khi mình muốn đưa ra 1 đề xuất nào đó và dự tính ý kiến này sẽ được mang ra mổ xẻ từ đồng nghiệp lẫn sếp. Thay vì nói “I think” hoặc “My idea” thì mình sẽ nói “I will make a proposal”, mang tính chiến lược và cao cấp hơn.
Từ “suggestion / recommendation” mình hay dùng khi muốn hỏi ý kiến những người đồng cấp, khi mình không cần tỏ thái độ cung cấp hay nhờ vả. “Can you make any suggestion / recommendation?”
Từ “advice” đặc biệt mình hay dùng với sếp, hay với những người mình đang cần “nhờ vả” vì việc đó họ không có lợi gì mấy nhưng lại có lợi cho mình. Người ta sẽ cảm thấy họ đang có vai trò quan trọng.
4. I just wonder / I am a bit concerned
Khi muốn phản đối ý kiến sếp / đồng nghiệp, nhiều người rất hay dùng từ “but” hay “however”, thậm chí tệ hơn là “I don’t agree”. “But” hay “however” thì cũng ok, nhưng đó vẫn là những từ mang ngữ nghĩa tiêu cực. Tây nghe quen rồi thì cứ nghe đến 2 từ này là não bộ sẽ có phản ứng vô thức “À, nó đang phản đối mình” và thấy hơi không thoải mái.
Vì vậy khi mình muốn phản đối thì đầu tiên mình sẽ đồng ý với quan điểm của đối phương đã “I think you’re right…”, sau đó nói “I just wonder” hoặc “I am a bit concerned about…” như để bổ sung thêm 1 vài ý để chúng ta có thêm 1 góc nhìn, thay vì thể hiện là tôi đã không đồng ý với anh.
5. Just my 2 cents
“Just my 2 cents” có nghĩa tương tự “in my opinion”, nhưng đặt người thể hiện quan điểm vào vị thế khiêm tốn hơn nhiều. Từ này mình thấy Tây dùng rất khôn khéo, và thường được dùng bởi sếp cho nhân viên, hoặc bởi sếp ở bộ phận này khi trình bày quan điểm với những người quan trọng ở bộ phận khác.
Ví dụ: Khi nhân viên đưa ra 1 đề xuất nào đó mà sếp không đồng ý thì sếp sẽ không nói là không đồng ý, mà đưa ra 1 loạt các câu hỏi hoặc góc nhìn khác rất dài và kết luận: “Just my 2 cents”. 2 cents rất nhỏ phải không các bạn? Nhưng hàm ý của cụm này là trình bày 1 quan điểm rất dài đằng trước đó.
Các bạn có thêm từ nào hay, hoặc có ý kiến khác thì hãy tham gia với mình nhé!
>> Đọc thêm hướng dẫn viết CV tiếng Anh siêu đầy đủ của mình.