Bạn là mẹ bỉm sữa đang lúng túng tìm việc ở Đức? Bạn là sinh viên đang suy nghĩ có nên học ở Đức không, vì nghe đồn sau này tìm việc khó lắm? Đừng quá lo lắng và hoang mang, vì dù thế nào bạn cũng không cô đơn đâu. Đường cùng sẽ có chính phủ Đức làm nhà cái chăm sóc cho bạn.
Mình nhận được khá nhiều câu hỏi của các bạn đang ở Đức, đặc biệt là các bạn nữ. Thường các bạn đi cùng chồng sang định cư rồi sinh con, lâu lắm chưa quay lại thị trường lao động.
Ở Đức mình thấy cái hay là: Trừ khi bạn lười và chây ì, cố tình không chịu đi làm để ở nhà nhận tiền trợ cấp thất nghiệp (như rất nhiều dân nhập cư từ Tây Á hay châu Phi), chỉ cần bạn có mong muốn đi làm, chính phủ Đức sẽ đứng ra hỗ trợ bạn cực nhiệt tình.
Contents
Người lao động chất lượng cao ở đâu trong thị trường lao động Đức?
Thông tin này mình đi “hóng” được từ workshop của Du học Đức hệ tiếng Anh:
Theo Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức, hơn 50% công ty đang bị đe dọa nghiêm trọng do thiếu nhân lực chất lượng. Do nhân khẩu học thay đổi, lực lượng lao động Đức trong độ tuổi từ 20 – 64 sẽ giảm 3.9 triệu người, còn 45.9 triệu người vào năm 2030.
Vì vậy, chính phủ Đức đang xây dựng các chương trình khuyến khích người lao động tay nghề cao (skilled workers) từ các nước khác sang sinh sống và làm việc tại Đức.
Ngoài ra, nếu bạn đang muốn tìm việc trong ngành Công nghệ thông tin hoặc Chăm sóc sức khỏe thì xin chúc mừng bạn. Theo trang Make It In Germany, đây là những lĩnh vực mà nhu cầu công việc tại Đức đang rất lớn trong khi nguồn cung lao động lại không đủ. Các công ty sẵn sàng hỗ trợ visa cũng như tạo điều kiện tốt nhất để bạn làm việc cho họ. Vậy nên là tự tin mà triển thôi bạn nhé.
Còn nếu cần bí quyết tìm việc, các bạn tham khảo các bài về Kỹ năng tìm việc của mình.
Một số nguồn thông tin chất lượng dành cho người lao động chất lượng cao ở Đức
Make It In Germany
Cổng thông tin bằng tiếng Anh của Cộng hòa liên bang Đức dành cho người lao động trình độ cao (skilled worker) ở nước khác có nhu cầu định cư ở Đức. Trong này bạn sẽ tìm thấy thông tin về công việc, visa, cuộc sống ở Đức.
Cơ quan Việc làm Đức (Bundesagentur für Arbeit)
Đây là cơ quan chính thống của Đức cung cấp thông tin cũng như dịch vụ hỗ trợ cho việc học tập và xây dựng sự nghiệp ở Đức. Tại đây có cổng tìm việc chứa các tin tuyển dụng của các nhà tuyển dụng Đức đăng ký qua mạng lưới cơ quan này để tìm nhân sự.
Trên đây là một số thông tin mà mình nghĩ có lẽ nhiều người cũng biết rồi, vì chúng rất phổ biến, nhưng mình cứ nhắc lại, nhỡ đâu bạn chưa biết thì sao?
Còn đây là một tip mà bạn chỉ tìm thấy tại Ngoc’s Work and Life nhé.
Nhờ Sở Lao động Đức (Arbeitsamt) hỗ trợ
Trước khi sang Đức, mình có học tiếng Đức 1 – 1 với một bạn giáo viên người Việt Nam đang sống và làm việc ở Đức.
Mục đích của mình không chỉ là học tiếng Đức, mà nhờ bạn ấy tư vấn chia sẻ kinh nghiệm tìm việc và cuộc sống ở Đức để sang trong một tâm thế sẵn sàng, không bỡ ngỡ. Mình nghĩ đây là một bước đi rất sáng suốt và chiến lược của mình.
Bạn ấy chia sẻ với mình câu chuyện về một bạn nữ lấy chồng người Đức, học xong ra trường sinh con sau đó vài năm thì bắt đầu quay lại tìm việc – có nghĩa là kinh nghiệm làm việc bằng 0. Bạn ấy tìm tới Sở Lao động (Arbeitsamt) ở nơi bạn sống và nhờ giúp đỡ.
Sở Lao động chính là các nhánh của Cơ quan Việc làm Đức mình nhắc ở trên. Bundesagentur für Arbeit là cơ quan đầu não của chính phủ, và các Sở Lao động là các nhánh của cơ quan này tại các vùng miền.
Sở Lao động hướng nghiệp giúp bạn, và lên một danh sách những kỹ năng bạn cần trang bị thêm, tìm nơi học cho bạn, trả học phí luôn cho. Sau khi bạn này học xong, họ hỗ trợ viết CV và kỹ năng phỏng vấn, rồi kết nối với nhà tuyển dụng. Họ có sẵn một mạng lưới nhà tuyển dụng đăng ký chương trình này.
>> Xem thêm Hướng dẫn đầy đủ về cách viết CV tiếng Anh của mình
Kết quả là bạn gái đó tìm được một công việc lương rất ổn, thậm chí còn được hỗ trợ thời gian làm việc linh động để tiện chăm con.
Điểm đặc biệt là tất cả hoàn toàn FREE!!!
Bạn thấy làm gì có kèo nào thơm hơn đúng không? Vừa được cho đi học, vừa tìm việc cho, hoàn toàn miễn phí. Cảm tưởng như chính phủ Đức tìm mọi cách để tống dân thất nghiệp vào lại thị trường lao động vậy.
Mình và bạn giáo viên đùa nhau: “Yên tâm sang Đức không thể thất nghiệp được, vì mình muốn nó cũng không cho mình thất nghiệp.”
Ngọc đã nhờ Sở Lao động Koblenz hỗ trợ thế nào?
Chồng mình thì phán: “Sở Lao động là chuyên để hỗ trợ cho dân lao động tay nghề thấp.” Mình nghe vậy cũng bán tín bán nghi, và quyết định cứ thử xem thực hư thế nào.
Khi tới Đức, mình Google xem Sở Lao động khu vực mình ở là trang nào rồi tìm số điện thoại (gửi mail không thấy trả lời).
Họ gửi cho mình qua đường bưu điện (bên Đức vui cái là công quyền rất hay làm việc qua đường bưu điện) một thư hẹn lịch để nhân viên của họ gọi điện tư vấn. Mình cũng lưu ý với họ là mình chưa nói được tiếng Đức, nên nếu có thể hãy xếp nhân viên nói tiếng Anh.
Đúng ngày đó giờ đó, nhân viên gọi cho mình. Đây là một bạn người Tây Á, cũng từng là dân nhập cư, vì vậy rất thấu hiểu vấn đề của chúng ta và nhiệt tình hỗ trợ.
Mình giới thiệu qua về bản thân (kinh nghiệm làm việc, trình độ học vấn), trình bày nguyện vọng về loại công việc mình muốn tìm. Sau cuộc gọi mình cũng gửi cả CV cho người đó xem.
Bạn này ngay lập tức tặng mình một voucher tư vấn hướng nghiệp và sửa CV miễn phí, và một voucher học một khóa tiếng Đức miễn phí. Không có voucher thì khóa đó tầm EUR2,000. Xem qua nơi dạy thì thấy đây là một trung tâm hoàn toàn uy tín.
Đáng tiếc là mình chưa kịp xài mấy voucher đó thì đã tìm được việc rồi. Mình cũng thông báo lại cho họ tin này.
Cứ 3 – 6 tháng, bạn này lại viết email hỏi xem mình làm việc có ổn không, có cần hỗ trợ gì thì nhắn họ, và cả thông tin về các sự kiện mà họ nghĩ sẽ phù hợp cho mình. Thực sự rất chu đáo và có tâm.
Đây là một sự kiện kết nối phụ nữ nước ngoài mình được họ chia sẻ.
Điều kiện để bạn tận dụng được sự giúp đỡ của họ: Ít nhất là phải có tiếng Anh, và tốt hơn nữa thì tiếng Đức ở dạng cơ bản. Lưu ý: Trước khi sang Đức thì mình đã dành tới 2 năm để học tiếng rồi, mà sang vẫn như vịt nghe sấm vì tiếng Đức ngoài đời thực sự nhanh và khác hẳn với những gì mình học ở Việt Nam.
Ngoài ra, bạn nên nghiên cứu chuẩn bị trước, để khi làm việc họ thấy mình chủ động và có mong muốn “hòa nhập cộng đồng”, thì họ sẽ sẵn sàng giúp bạn hơn.
Bài viết này mình tặng những bạn đang hoang mang lo lắng khi tìm việc ở Đức. Cứ yên tâm, rồi bạn sẽ tìm được thôi. Vì kể cả bạn có muốn thì chính phủ Đức cũng không cho bạn thất nghiệp đâu! Cứ nỗ lực và quyết tâm, bạn sẽ đạt mục tiêu nha!