Đây là mục đầu tiên và trên cùng ở bất kỳ một form mẫu CV nào. Phần này trong tiếng Anh có thể gọi với những cái tên:
- Contact
- Contact details
- Personal information
Bài này hơn 1,000 từ và mình chỉ dành để nói về mục Contact Details với các chi tiết tỉ mỉ nhất.
Đọc hướng dẫn đầy đủ về cách viết CV bằng tiếng Anh của mình.
Các bạn đừng rủa thầm “Bà này bị hâm hay sao, mà viết hơn 1,000 từ cho cái mục bé tí này!”
Nếu bạn đang ứng tuyển ở châu Âu thì bạn rất nên đọc, vì nhà tuyển dụng ở châu Âu cực kỳ để ý tiểu tiết.
Mình từng chứng kiến chồng mình, người Đức và từng là Giám đốc Tài chính cho một tập đoàn lớn của Đức ở Việt Nam, nhận xét về CV của một học viên Impactus khi đến làm khách mời ở một trong các buổi học:
“CV của bạn dòng này thiếu dấu chấm, dòng kia căn lề không chuẩn, thừa một dấu cách (!!!) Khi tôi nhìn thấy CV thế này, tôi sẽ đánh giá ứng viên đó không cẩn thận tỉ mỉ.”
Cả mình và học viên của mình đều sốc với độ “soi” của chồng mình khi ấy, không khác gì một bà mẹ chồng khó tính soi từng cái sạn khi con dâu quét nhà, nhưng khi sang bên này mình thấy rất nhiều người như vậy.
Những lưu ý khi viết phần này:
Contents
Ảnh
Ảnh là thứ không bắt buộc phải có trong CV bằng tiếng Anh, nhưng nếu đã dùng thì phải rất cẩn thận nhé các bạn. Nếu không có ảnh thì không ảnh hưởng gì đến hồ sơ của bạn cả.
Còn nếu đã cho ảnh vào, bạn hãy nhớ là ảnh của bạn trông phải rất pro và long lanh.
Lí do là nhà tuyển dụng nước ngoài hoặc ở các công ty nước ngoài thường khó tính hơn nhà tuyển dụng Việt Nam nhiều và rất lưu ý tới tiểu tiết.
Nếu ảnh của bạn là kiểu ảnh tự selfie, chất lượng không nét, hoặc phong cách đời thường, bánh bèo, không chỉn chu thì bạn sẽ gây ấn tượng rất xấu với nhà tuyển dụng.
Và thực tế là phải có tới 60% – 70% những CV có ảnh của các bạn ứng viên Việt Nam mình gặp không đạt tiêu chuẩn về ảnh. Phổ biến nhất là kiểu ảnh thẻ, ảnh chứng minh nhân dân hay ảnh tạo dáng kiểu đời thường.
Những kiểu này đều sẽ bị đánh giá là không pro. Nói thật là mình rất sợ những ảnh kiểu vậy, nhìn như ảnh thờ!
Nếu đã muốn đưa ảnh vào CV, bạn nên đầu tư ra studio chụp một vài kiểu ảnh có độ phân giải cao, mặc vest, nhìn long lanh như ảnh của mình đây. Giá thành cũng không hề đắt.
Vài năm trước mình ra studio yêu cầu chụp ảnh công sở và phải trả có 100,000đ cho 3 kiểu. Đến giờ mình vẫn dùng cho CV và hồ sơ LinkedIn của mình cũng như các mục đích công việc khác, rất tiện. Như ảnh profile của mình trong web này vậy.
Nếu ở Hà Nội, bạn có thể tham khảo studio Đức Hollywood. Đây là một studio lâu đời, chụp khá nhanh và thợ ảnh hướng dẫn tạo dáng, photoshop ảnh đi làm khá ổn.
Bạn nào đang tìm việc ở châu Âu thì cứ Google chụp ảnh kiểu business thì yên tâm sẽ có những tấm ảnh chất lượng, chỉ là khá đắt thôi.
Thông tin liên hệ
Như mình đã nói, khi đã viết CV bằng tiếng Anh là bạn hãy hình dung: Người đọc của bạn là độc giả khó tính, có thể soi tới những chi tiết rất nhỏ. Vì vậy hãy đảm bảo CV tiếng Anh của bạn không có lấy bất kỳ một lỗi nào.
Thông tin liên hệ trong CV tiếng Anh được viết như sau:
- Tên: Không dấu, tên trước họ sau. Nếu thích bạn có thể cho đệm vào giữa. Tên nên không dấu để giúp cho người đọc CV nếu không biết tiếng Việt thì không bị rối.
Ngoài ra nếu không cho ảnh vào CV thì bạn có thể đưa chú thích về giới tính vào trong ngoặc. Điều này không bắt buộc vì ở nước ngoài thì nhà tuyển dụng không được phép tìm hiểu về giới tính của ứng viên.
Một tip nhỏ: Nếu bạn nào tên là Anh thì nên để thế này:
Ví dụ: Nguyễn Lan Anh => Lan-Anh Nguyen
Có nhiều bạn có thể dùng tên tiếng Anh thay vì tiếng Việt cũng được. Mình thì mình thích dùng tên thật để thể hiện đúng bản sắc.
- Vị trí bạn đang ứng tuyển: Điều này không bắt buộc, nhưng nếu có sẽ có lợi vì:
- Ghi điểm với nhà tuyển dụng, cho thấy bạn quan tâm đến công việc này và tỉ mỉ khi làm CV.
- Tăng điểm phù hợp và liên quan cho CV.
Các tập đoàn lớn, nhất là ở nước ngoài, vòng CV thường do máy lọc chứ Nhân sự không lọc. Bạn dùng càng nhiều keyword liên quan đến công việc đang ứng tuyển thì điểm phù hợp càng cao.
- Các thông tin bắt buộc phải có bao gồm Email và Số điện thoại.
- Ngày tháng năm sinh (Date of Birth): Ở Việt Nam hay Đức thì bạn gần như bắt buộc cần đưa thông tin này vào, ít nhất là năm sinh để nhà tuyển dụng biết bạn bao nhiêu tuổi. Ở UK thì thông tin này lại không cần thiết.
Tuy nhiên mình thấy là nên đưa để nhà tuyển dụng đỡ thắc mắc trong đầu bạn bao nhiêu tuổi, vì đằng nào họ cũng biết khi nhìn vào năm tốt nghiệp Đại học của bạn thôi. Tội gì phải mang thêm việc cho họ?
Có những bạn từng hỏi mình: Cố tình “khai man” năm sinh trong CV có được không, đối với một số công việc ở Việt Nam yêu cầu giới hạn về độ tuổi (dưới 2 năm kinh nghiệm đi làm chẳng hạn).
Mình khuyên là rất không nên vì thông tin này đằng nào về sau nhà tuyển dụng cũng biết. Mà nếu để họ thấy là bạn nói dối thì bạn không bao giờ có cửa đâu.
Tốt nhất là thành thật, và đừng cố đấm ăn xôi ứng tuyển những việc yêu cầu cụ thể về độ tuổi mà bạn không đáp ứng được. Vì sớm hay muộn thì bạn cũng sẽ bị loại.
- Địa chỉ (Address): Không nên ghi cụ thể số nhà, tên đường vào.
Bạn có thể ghi tên phường, quận, thành phố mình đang sống để nhà tuyển dụng biết bạn có phải ở gần chỗ làm không. Nếu ở nước ngoài và bạn sống xa nơi làm quá thì cũng là một yếu tố họ phải cân nhắc.
- Hồ sơ LinkedIn: Không bắt buộc, nhưng nếu có thì tốt, vì chứng tỏ bạn là một “công dân toàn cầu”. Tham khảo hồ sơ LinkedIn của mình.
Ngoài ra thì có nên đưa Facebook của bạn vào không?
Nếu bạn là dân làm Marketing hay Creative (sáng tạo), và bạn quản lý tài khoản Facebook tốt, toàn đưa thông tin tích cực thì hãy đưa.
Còn không thì đừng, vì thời buổi này nhà tuyển dụng thường xuyên lên mạng tìm thử tài khoản Facebook của ứng viên. Nếu lỡ có nhìn được tấm hình nào bạn “xõa” quá, hoặc đọc được câu chửi bậy nào đó của bạn thì không được hay ho cho lắm.
Cuối cùng, bạn có thấy mình trình bày thông tin rất chỉn chu như một cuốn sách hoặc một văn bản chính thống không?
- Đề mục to được chỉnh màu khác, bôi đậm.
- Các tiêu đề cùng loại thông tin như Address, D.O.B, Mobile, Email, LinkedIn đều được bôi đậm.
- Cách trình bày các dấu câu như dấu : theo cùng một quy luật.
Mục này là mục đầu tiên nhà tuyển dụng đọc. Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng, vì vậy hãy tỉ mỉ đến từng chi tiết bạn nhé.
1 comment
Siêu chi tiết luôn chị ạ. Đúng là những thông tin này tụi em đi làm gần chục năm mà cũng không bao giờ để ý.🌞