Vấn đề này không khác gì chuyện: Các bé đi học lớp 1 ở Việt Nam bị trường yêu cầu phải biết chữ, biết làm toán trước khi đi học. Nó là vấn đề con gà – quả trứng.
Contents
Giải pháp là gì?
Phụ huynh không thể đôi co với trường: Con tôi chưa đi học thì làm sao bắt nó thi viết chữ, thi làm toán thì trường mới nhận được? Phụ huynh chỉ còn cách: Cho con đi học thêm từ lúc 5 tuổi mà thôi.
Vậy thì với bạn cũng thế đó.
Chưa có kinh nghiệm thì phải tích lũy kinh nghiệm thôi. Không có shortcut, vì thị trường tuyển dụng châu Âu không thiếu các ứng viên từ các nước châu Âu với tiếng Anh tốt, bằng Master nhan nhản, và cũng không thiếu kinh nghiệm.
Giải pháp của bạn sẽ gồm 2 bước:
- Bước 1: Xác định công việc mình muốn làm trong vòng 1 năm tới. Việc định hướng này rất quan trọng trước khi bạn bắt tay vào tìm việc và viết CV. Đọc thêm tại đây.
- Bước 2: Tìm việc làm “vừa miếng” với tấm kinh nghiệm của mình để tích lũy kinh nghiệm. Những “việc làm vừa miếng” này mình gọi là công việc “bước đệm” trước khi bạn giành được công việc mình muốn thực sự.
Bước này cũng không bỏ qua được, vì nếu ngay từ đầu bạn chưa có gì thì rất khó để bạn chứng tỏ giá trị của mình với nhà tuyển dụng.
Giống như bạn là tờ giấy trắng vậy. Trước khi bạn muốn viết 1 bản thảo đẹp đẽ, bạn phải biết viết nguệch ngoạc cái đã.
Định hướng tìm các công việc bước đệm thế nào?
Để giành được công việc bạn muốn (mình gọi là target job), bạn cũng cần tìm các công việc bước đệm phù hợp, chứ không phải làm bất kỳ việc gì.
Ví dụ:
Nếu mục tiêu của bạn là Digital Marketing (mình làm trong mảng này nên mình rất hay lấy ví dụ), các công việc bước đệm có thể là:
- Viết content cho các kênh digital khác nhau: SEO content, Facebook content, email content v.v.
- Trợ lý Digital Marketing
- Quản lý page cho các trang Facebook, Instagram v.v.
Nếu mục tiêu của bạn là Finance / Accounting, các công việc bước đệm có thể là:
- Bookkeeper – nhập sổ sách cho các cửa hàng nhỏ
- Nhập số liệu kế toán – tài chính
Chưa có kinh nghiệm thì tìm việc công việc đầu tiên thế nào?
Bạn lại hỏi:
Vâng, em cũng hiểu, nhưng kể cả em xác định được công việc em muốn làm rồi bắt đầu tích lũy kinh nghiệm cho công việc đó, em sẽ gặp lại vấn đề cũ: Không có kinh nghiệm nên ngay cả những việc đơn giản cũng khó tìm.
Thật ra tìm những công việc “bước đệm” không khó như bạn tưởng. Bạn chỉ cần viết CV khéo một chút, và chịu khó thuyết phục nhà tuyển dụng một chút thôi.
>> Xem Hướng dẫn đầy đủ của mình về viết CV tiếng Anh
Các công việc bước đệm tìm ở đâu?
Đó là các việc không lương, tình nguyện. Ở châu Âu / UK hay Việt Nam giờ không thiếu các dự án xã hội cần tìm các tình nguyện viên ở nhiều mảng khác nhau.
Các dự án xã hội tốt có thể hoạt động như một tổ chức bình thường vậy. Ví dụ, ở châu Âu / UK bạn sẽ thấy Job Code, sở hữu cộng đồng Facebook SJSH – Nhóm tìm việc làm và học bổng tại UK và EU.
Đây là dự án rất tốt bởi có một cộng đồng tìm việc cực kỳ chất lượng. Mình “nằm vùng” trong nhóm đã lâu.
Theo quan sát của mình, đây là cộng đồng chất lượng nhất châu Âu, bởi có nhiều expat Việt (người Việt Nam đi làm các công việc trí óc tại các tổ chức / công ty toàn cầu ở châu Âu).
Tại đây mọi người giúp đỡ và chia sẻ rất nhiệt tình. Tất cả các vấn đề mình từng đăng lên đây đều được giải quyết.
Thêm nữa, dự án có founder giỏi và tâm huyết, rất chịu khó chia sẻ và giúp đỡ các bạn tình nguyện tham gia dự án.
Được biết dự án cũng đang có kế hoạch phát triển nên có nhu cầu tìm tình nguyện viên giỏi. Nhiều bạn từng tham gia đã giành được những công việc rất tốt tại châu Âu nhờ sự hướng dẫn của founder đó.
Còn nếu bạn là tờ giấy trắng, kể cả việc ứng tuyển cho những dự án như vậy và tình nguyện làm việc không lương cũng không trúng thì sao?
Đến bước này thì có cách khác: Hãy làm việc cho chính mình.
Đọc thêm các bài của Ngọc về Kỹ năng tìm việc.
Bạn có thể tự nghĩ ra các dự án nhỏ ở trường, ở lớp để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân.
Ví dụ, một người bạn của mình sinh năm 1989, hiện đang làm Lập trình cho một công ty về Automation trong ngành Ô tô ở Đức có kể cho mình:
Hồi mới sang, bạn bắt đầu từ việc học Đại học ở Đức. Hiểu điểm yếu của mình là thiếu kinh nghiệm phù hợp với nhu cầu tuyển dụng ở Đức, bạn đã chuẩn bị từ khi còn đang đi học.
Bạn thường lên các trang lớn trên thế giới dành cho giới Lập trình, tìm các dự án viết code miễn phí để tự làm, giao lưu học hỏi kinh nghiệm.
Ở lớp học, bạn nghĩ ra các dự án áp dụng lí thuyết vào thực tế, và rủ các bạn cùng lớp làm cùng, vừa tích lũy kinh nghiệm, vừa trau dồi kỹ năng teamwork và kỹ năng giao tiếp.
Bạn nào muốn làm Marketing, hãy thử tự lập 1 cái blog cá nhân.
Các bạn cũng có thể tìm các doanh nghiệp startup hoặc SME mới nhỏ, đang rất cần người và đề nghị làm không công cho họ.
Thường thì ít nhất với bằng cấp Đại học / Master và ngoại ngữ là khả năng họ nhận bạn sẽ rất cao, vì họ có mất gì đâu.
Nói tóm lại, bạn hãy suy nghĩ sáng tạo và chịu khó để mắt thì sẽ không thiếu các cơ hội “vừa miếng” cho mình.
Hãy tích lũy kinh nghiệm như vậy trong vòng 1 – 1.5 năm cuối thời kỳ học Đại học.
Còn nếu bạn đã ra trường, cần phải có việc làm có lương để trang trải, mình nghĩ bạn hoàn toàn có thể chấp nhận làm các việc chân tay lúc đầu như bồi bàn, làm tại các quán café, làm admin tại các tiệm nail, làm thu ngân tại các siêu thị nhỏ của người Việt v.v. để có thu nhập.
Đồng thời bạn vẫn nhận thêm các việc tình nguyện không lương như mình nói ở trên để có cái cho vào CV. Hai việc này bạn phải làm song song để đảm bảo mình tồn tại, và để đạt được mục tiêu.
Đây là những việc mà mình cho rằng bạn không thể không làm và không có short cut để đến với thứ bạn muốn. Mình và rất nhiều mentor khác có thể chỉ cách cho bạn, nhưng không thể làm hộ bạn.
Phần thưởng sẽ không dành cho người lười, không dành cho người thiếu ý chí chiến đấu, không dám cạnh tranh và nỗ lực để vươn lên, nhất là ở châu Âu, nơi không thiếu các nhân tài.