Bài trước: Tìm việc làm – Không chỉ là rải CV và đi phỏng vấn
Đánh giá bản thân
Nếu bạn học những ngành cực kỳ chuyên sâu như Y – Dược, Lập trình, Công an v.v. thì hãy tìm những việc trong ngành này. Còn nếu không, tạm thời quên ngành học Đại học của bạn đi. Thực tế là vô số người ra trường đi làm trái ngành, và nhà tuyển dụng không quan tâm lắm đâu, nhất là khi bạn có kinh nghiệm (kể cả thực tập / part-time) rồi.
Lí do là vì: Trước khi vào Đại học thì những người này không được định hướng chọn ngành học, nên đã chọn sai ngành. Thử tưởng tượng nếu bạn như mình, ghét làm việc với con số, mà lại học Tài chính & Ngân hàng, rồi ra trường đâm đầu tìm việc liên quan đến số má, thì về sau bạn sẽ chán ngán công việc như thế nào?
Cũng đừng quan tâm quá đến lời khuyên của phụ huynh, vì phụ huynh thường có cái nhìn và độ hiểu biết về thị trường lao động từ thời bố mẹ hoặc thời 10 năm trước, rất khác với thực tế thay đổi mỗi năm (trừ một số phụ huynh thực sự nhạy bén). Điển hình là rất nhiều bố mẹ định hướng cho con làm ngân hàng hoặc kế toán, trong khi Gen Y và Gen Z thời nay năng động, sáng tạo thế nào.
Thay vì vậy, hãy tìm đến tư vấn của những người thực sự có chuyên môn về hướng nghiệp và nắm được tình hình thị trường tuyển dụng hiện tại.
Và đây là những việc bạn nên làm:
- Làm thật nhiều các bài test như test tính cách (personality test), test hành vi (attribute test), test giá trị (value test) v.v. Mình không nói bạn nên tin tưởng những bài test này tuyệt đối, nhưng khi bạn làm nhiều, thường kết quả các bài test sẽ hướng về một số điểm chung để bạn có thể tham khảo. Làm 1 hoặc 2 bài thì có thể kết quả sẽ khá phiến diện và không chính xác.
- Nhìn lại xem điểm mạnh của bạn là gì? Đừng vội kết luận, mà hãy lục lại tất cả những gì mình đã làm để có lí do khẳng định đâu là điểm mạnh thực sự. Đây sẽ góp phần hình thành USP của bạn (Unique Selling Point) – điểm giúp bạn khác biệt và nổi bật so với đối thủ, và là điểm trong những điều cốt lõi giúp bạn tìm việc thành công.
Ví dụ: Thời phổ thông bạn học giỏi những môn nào? Môn Tự nhiên hay môn Xã hội? Những người giỏi Toán – Lý – Hóa – Tin thường về sau sẽ có khả năng làm trong lĩnh vực IT / Engineering. Những người học tốt các môn Xã hội thường giỏi các công việc tương tác với con người như Sales, Marketing – Truyền thông, Nhân sự, Kinh doanh nói chung. Đặc biệt ai có năng khiếu Văn thì sau này mình thấy thường có khả năng nói và viết rất hay làm Sales hoặc Marketing – Truyền thông tốt. Ai giỏi Sinh – Hóa có thể làm trong lĩnh vực Y – Dược.
Ngoài ra, mình nhấn mạnh câu hỏi ở đây là: “Bạn làm tốt cái gì?”, chứ KHÔNG PHẢI “Bạn thích làm gì?” nhé. Mentee của mình có nhiều người lẫn lộn chỗ này, và toàn trả lời “Em thích làm việc A, việc B”.
Và tạm thời đừng quan tâm đến điểm yếu, mà chỉ tập trung vào điểm mạnh thôi nhé. Lí do mình sẽ nói ở một bài viết khác.
Tìm hiểu thị trường tuyển dụng
Tìm việc thật ra là một quá trình bán hàng, trong đó món hàng bạn bán ở đây là thứ quan trọng nhất cuộc đời bạn – BẢN THÂN BẠN!
Như mọi cuộc bán hàng khác, bạn phải hiểu bản thân và hiểu thị trường. Hiểu thị trường để biết khách hàng (nhà tuyển dụng) phù hợp với mình là ai? Đối thủ của mình (ở đây là các ứng viên khác quan tâm tới cùng một vị trí) như thế nào? Mình giải quyết được vấn đề gì cho khách hàng (nhà tuyển dụng) mà đối thủ không làm được? v.v.
Thị trường tuyển dụng ở mỗi thành phố / đất nước / châu lục đều khác nhau, và nếu bạn không hiểu thị trường mà cứ rải CV thì khác gì mang quân ra trận mà không biết chiến trường và địch thủ thế nào.
Thị trường tuyển dụng ở Hà Nội sẽ khác với thành phố Hồ Chí Minh, ở Việt Nam khác với châu Âu. Ở châu Âu thì thị trường tuyển dụng Anh khác với thị trường tuyển dụng Đức. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới chiến lược chọn việc của bạn.
Lí do là có những công việc ở thị trường này (ví dụ như Hà Nội) có thể cơ hội không tốt, nhưng ở thị trường khác (thành phố Hồ Chí Minh) lại rất nhiều và chế độ hấp dẫn, hoặc ngược lại.
Còn ở Đức thì nếu bạn làm trong ngành Sản xuất – Chế tạo – Cơ khí – Kỹ thuật hay Ô tô và các ngành phụ trợ thì chúc mừng bạn. Cơ hội nghề nghiệp của bạn sẽ rất phong phú và hấp dẫn! Nhưng nếu bạn làm trong lĩnh vực Marketing – Truyền thông như mình thì cơ hội tốt ít hơn nhiều. Bạn cần phải dành nhiều thời gian xây dựng hồ sơ tìm việc mới được.
Xác định mục tiêu phù hợp (target the right job)
Mục tiêu công việc phù hợp (target the right job) là sự kết hợp giữa năng lực của bạn với cơ hội công việc đó ở thị trường tuyển dụng mục tiêu.
Ví dụ: Bạn học Tài chính, giỏi làm việc với các con số và ở Hà Nội:
Cơ hội cho ngành Tài chính và người làm nghề Tài chính ở thị trường tuyển dụng nào cũng có, tuy nhiên ở giai đoạn đầu sự nghiệp thì thu nhập nhìn chung không cao. Đi sâu hơn ta lại thấy thu nhập lại khác nhau với các ngành khác nhau.
Nếu bạn giỏi tiếng Anh và có kinh nghiệm liên quan từ thời sinh viên, bạn có thể nhắm vào Big 4 (tứ đại trong ngành Kế – Kiểm trên thế giới), hay làm ở các vị trí liên quan đến Finance ở các tập đoàn đa quốc gia.
Còn nếu tiếng Anh không tốt lắm thì bạn có thể trở thành nhân viên Phân tích tài chính ở các tập đoàn lớn Việt Nam, hoặc làm Ngân hàng v.v.
Nói sơ qua đã có tới 4 hướng đi rồi. Việc tiếp theo là chọn hướng đi phù hợp nhất với mục tiêu lâu dài của bạn, sau đó xây dựng ra một danh sách các công việc cụ thể bạn muốn ứng tuyển.
Danh sách đó của bạn có thể như sau: Giả sử bạn định theo hướng nhân viên Phân tích tài chính:
- Nhân viên Phân tích tài chính – Ngân hàng Vietcombank trụ sở chính, Hà Nội
- Financial Analyst – Công ty tư vấn chứng khoán SSI, Hà Nội
- Junior Finance Officer – Tập đoàn A (tập đoàn của Mỹ trong lĩnh vực Nông nghiệp), Hà Nội
- Financial Analyst – Quỹ đầu tư B (quỹ đầu tư khá lớn của Singapore), Hà Nội
Trên đây mình vừa mô tả qua một số bước cần làm để xác định mục tiêu (target the right job). Sau khi rõ mục tiêu rồi thì bạn mới đến bước chuẩn bị đồ nghề như cung tên hòn đạn để bắn sao cho trúng đích.
Ở đây chính là xây dựng hồ sơ ứng tuyển bao gồm CV, cover letter, hồ sơ LinkedIn, thư giới thiệu và các loại tài liệu khác, rồi kỹ năng trả lời phỏng vấn, kỹ năng thương lượng lương v.v. Bước này thì có lẽ ai cũng biết, nhưng thật ra cũng gồm rất nhiều kỹ năng Sales khó, cần sự chuẩn bị và cả kinh nghiệm. Bước này mình sẽ nói ở các bài khác.
Đã đến lúc bạn đánh giá đúng tầm quan trọng của kỹ năng tìm việc làm (job application) và coi việc ứng tuyển cho công việc mơ ước của bạn quan trọng không kém việc học điên cuồng vài năm để có cái bằng đẹp. Xét cho cùng, bạn học để có cái bằng đẹp và có kiến thức thật ra là để phục vụ cho mục tiêu có được công việc mơ ước thôi mà.
Bài trước: Tìm việc làm – Không chỉ là rải CV và đi phỏng vấn