Sang Đức mình thấy một bộ phận lớn người dân không có nhu cầu kiếm tiền lớn như ở Việt Nam, có lẽ vì nước giàu sẵn và phúc lợi xã hội tốt rồi. Còn ở Việt Nam thì đa số có nhu cầu làm giàu rất cao, làm việc rất chăm chỉ. Thế nhưng làm mãi cũng có lúc mệt và mất động lực chứ nhỉ?
Ai là người quen của mình thì đều biết: Mình nổi tiếng là người yêu tiền. Nhưng nói đúng hơn nữa: Mình là người thích tạo ra giá trị. Mọi công việc mình làm, nếu không phải tạo ra tiền thì sẽ phải tạo ra giá trị.
>> Đọc các bài khác của mình về Định hướng nghề nghiệp và Viết CV tiếng Anh cũng như các Kỹ năng tìm việc khác.
Ngày hôm nay, bạn Helen Nguyễn, một cô gái rất giỏi giang đang làm Business Intelligence Analyst ở Đức hỏi mình: Làm sao để duy trì tình yêu mãnh liệt với tiền?
Mình thấy lạ: Ủa tưởng tình yêu tiền thì cần gì duy trì? Đã yêu thì cứ thế là yêu thôi chứ?
Rồi lại tự hỏi: Sao mình có tình yêu mãnh liệt với tiền như vậy? Ngồi lần lại hết các đầu mối, mình rút ra kết luận: Tình yêu tiền đến từ 3 lí do khi mình còn bé.
Trong 3 lí do này, có 2 lí do mà bạn hoàn toàn có thể thử áp dụng.
Lí do 1. Tiếp xúc với buôn bán và tiền từ sớm
Từ bé, mình đã hít thở bầu không khí buôn bán khi hồi đấy ông bà, bố mẹ và cô mình mở cửa hàng bán vé số cho dân trong phố. Mình thường xuyên ngồi bán cùng. Sau đó nhà mình lại xoay ra bán đồ chơi, cho thuê băng đĩa, rồi bán thuốc Tây. Cái gì mình cũng tham gia bán cùng.
Hồi ấy bố mình rất ham chơi bài (đến giờ cụ vẫn ham) và hay lôi mình đến các sới bài. Mình toàn ngồi lọt thỏm trong lòng bố xem cách các cụ tính toán, và ngồi cầm tiền, đếm tiền hộ.
Có lẽ việc tiếp xúc với buôn bán và cầm tiền hồi ấy đã khiến mình yêu tiền và có máu kinh doanh.
Năm mình 6 – 8 tuổi, nhà mình khá giả thuộc loại nhất phố. Bố mình thường xuyên mua truyện tranh Doraemon, 7 viên ngọc rồng… về cho mình đọc.
Thế là mình nảy ra ý tưởng mở cửa hàng cho thuê truyện. Đáng tiếc là cả 2 lần kinh doanh này đều thất bại. Lí do là mình không bắt bọn trẻ con trong phố đặt cọc tiền, cũng không bắt để lại giấy tờ tùy thân gì cả (nhìn lại ứng đúng với điểm yếu của mình là ghét quy trình, thủ tục giấy tờ). Thế nên truyện toàn cho thuê rồi không trở lại.
Lần khác mình lại có ý tưởng gấp chim giấy rồi bán cho hàng xóm. Ý tưởng này dĩ nhiên là ngủm củ tỏi vì các bác hàng xóm mua hộ cho một ít vì thương con nhóc, chứ đâu ai có nhu cầu mua chim giấy làm gì.
Lí do 2. Tư duy “Ở đời phải độc lập tài chính, đừng dựa dẫm vào ai”
Đáng lẽ hồi xưa con gái là hay được dạy “Phải công dung ngôn hạnh, nâng khăn sửa túi cho chồng. Học cao làm gì, chồng khắc nuôi.” Thì từ cái hồi mình bắt đầu nhận thức được và có ý niệm về cuộc sống xung quanh, bố mình đã gieo vào đầu mình ý nghĩ: Ở đời này con phải tự lập, không được dựa dẫm vào ai. Chưa bao giờ cụ dạy mình ở nhà chồng nuôi cả.
Đây là ý niệm chi phối thói quen làm việc cũng như cư xử của mình với những người xung quanh khi lớn lên. Cứ nghĩ tới việc phải dựa dẫm tài chính vào ai là mình sẽ hoảng hốt lo lắng không yên, ngủ không an giấc.
Vì thế, trong công việc mình không bao giờ xin xỏ ai mà mình luôn nghĩ cách làm sao để xây dựng thương hiệu bản thân có giá, để khi người ta làm việc với mình thì người ta sẽ thấy mình là một đối tác ngang hàng và có giá trị. Hoặc nếu có xin thì mình cũng đảm bảo sau này sẽ trả lại ít nhất tương đương.
Khi yêu hoặc lấy chồng, mình luôn bị ám ảnh bởi áp lực độc lập kinh tế.
Người ta nói: Phụ thuộc về kinh tế là phụ thuộc về chính trị. Câu này rất đúng. Vì một khi bạn phải cầm tiền của người khác, bạn đã mất đi cái “thế” của mình và phải ở “chiếu dưới”. Người ta yêu cầu gì bạn phải đáp ứng.
Nhìn rộng ra, bạn sẽ thấy: Việc các nước giàu đi tài trợ cho các nước đang phát triển dưới nhiều hình thức, là đổi lại họ có vị thế chính trị để đi các nước cờ của họ.
Còn nhìn theo khía cạnh hôn nhân, việc chồng đi làm nuôi vợ, sau đó ngoại tình như cơm bữa, rồi vợ bắt đầu khóc lóc than thở, thương con mà không dám bỏ chồng cũng vì lí do này. Mình thấy khó trách các ông chồng được. Bởi rõ ràng xét về mặt chính trị, một bên đang lệ thuộc vào bên còn lại thì bên kia có quá nhiều quyền lực để làm bất kỳ thứ gì họ muốn.
>> Đọc các bài khác của mình về Định hướng nghề nghiệp và Viết CV tiếng Anh cũng như các Kỹ năng tìm việc khác.
Chính vì thế, mình cho rằng: Phụ nữ khôn ngoan nhất định nên độc lập về kinh tế. Có thể không giàu, nhưng ít nhất có thể tự trang trải cuộc sống của mình. Như vậy trong hôn nhân mối quan hệ giữa hai bên mới cân bằng được (Còn trường hợp như vậy mà vẫn ngoại tình thì không phải chủ đề mình bàn đến trong bài này nhé).
Lí do thứ 3 (và có sức mạnh lớn nhất). Có nỗi sợ hãi và lo lắng đủ lớn để biến nó thành động lực kiếm tiền.
Hồi bé nhà mình rất khá giả do bố mình kiếm được những dự án xây dựng rất lớn. Nhưng rồi mẹ mình bị ung thư và bố mình phải đốt gần như hết số tiền kiếm được để chữa trị cho mẹ mình mà vẫn không ăn thua.
Sau đó lớn lên một chút thì tới ông bà mình ốm và mình lại một lần nữa chứng kiến nỗi ám ảnh của việc kiếm được bao nhiêu tiền phải đốt đi từng đấy chỉ vì một ngày đẹp trời, sức khỏe của bản thân hay người thân của mình có vấn đề.
Thế là bố mình từ rất nhiều tài sản tới mức mất hết, chỉ đủ để sinh hoạt hàng ngày.
Những nỗi ám ảnh từ bé đó khắc vào tiềm thức của mình một nỗi sợ lớn: Nếu đùng một cái, một ngày kia, bạn hay người thân của bạn bệnh nặng, bạn cần tiền tỉ để chữa thì sao? Thì bạn phải có đủ, thậm chí nhiều đến mức: Có chữa hết bệnh vẫn có thể sống sung túc.
Từ những lí do này, sau khi 30 tuổi, mình bắt đầu thực sự nghiêm túc với việc xây dựng một bản kế hoạch tài chính cá nhân.
Đặc biệt, trong một lần chuẩn bị bộ tài liệu pitching của Impactus với một quỹ đầu tư của Singapore, mình có cơ hội làm bài tập xây dựng kế hoạch tài chính cụ thể, mình càng có ý thức hơn về mục tiêu cuộc đời mình.
Trong đống tài liệu yêu cầu, có một file dành riêng người founder có tên Career Sheet. File đó là một bảng Excel yêu cầu mình ghi rõ:
- Nguồn gốc gia đình mình thế nào? Bố mẹ là ai? Tuổi thơ lớn lên thế nào? Từ đó thì các giá trị mình coi trọng là gì?
- Năm 35 tuổi – 40 tuổi – 45 tuổi – 50 tuổi – 60 tuổi: Ở từng tuổi, các mục tiêu định tính và định lượng – Mình đặt mục tiêu có bao nhiêu tiền? Các nguồn thu nhập đến từ đâu? Mình hình dung khi đó mình đang làm gì?
Đây là một bài tập rất giá trị. Sau vài ngày suy nghĩ thực sự cẩn thận (bài tập không dễ nhé các bạn), trong đầu mình đã có hình dung về con người mà mình muốn trở thành trong 20 năm tới.
Khi ấy, mình muốn không còn phải quan tâm đến chuyện kiếm tiền nữa, mà đã đủ tài chính để có thể chọn thứ mình thích làm, thậm chí kể cả khi những việc đó không ra tiền.
>> Đọc các bài khác của mình về Định hướng nghề nghiệp và Viết CV tiếng Anh cũng như các Kỹ năng tìm việc khác.
Khi ấy, mình hình dung mình sẽ là một diễn giả, một coach đi tạo ra giá trị bằng cách chia sẻ kiến thức và truyền sự tự tin và tích cực cho thế hệ trẻ.
Lập kế hoạch tài chính dài hạn với mục tiêu được số hóa cụ thể
Bước này là bước mình thấy đa số mọi người dễ chết, dễ rơi vào tình trạng “giấc mơ chỉ là giấc mơ”.
Giấc mơ mà không biến thành mục tiêu cụ thể và action plan (kế hoạch hành động) thì sẽ vậy đó.
Sau khi làm bài tập này, mình bắt đầu hình dung trong đầu KPI tài chính của bản thân:
Tới năm 50 tuổi, mình muốn có số tiền là X. Số tiền này sẽ đủ cho mình mua nhà, cho con đi học trường tốt, hàng năm sinh hoạt và đi du lịch thoải mái, và kể cả khi mình hay người thân có bệnh hiểm nghèo.
Tiếp theo, mình xem lại hiện tại tổng tài sản của mình đang là bao nhiêu tiền. Sau đó lập một file Excel và thử vạch ra các trường hợp khác nhau để trả lời câu hỏi: Với số tiền hiện có và mức tăng thu nhập hiện tại, liệu mình có thể đạt được KPI của năm 50 tuổi không? Liệu KPI này có khả thi không? Và điều chỉnh dần.
>> Đọc các bài khác của mình về Định hướng nghề nghiệp và Viết CV tiếng Anh cũng như các Kỹ năng tìm việc khác.
Ví dụ:
Trường hợp 1
Ở tuổi 30 mình chỉ tiết kiệm được 100,000,000đ (Điều này không hiếm. Mình quen khá nhiều bạn nữ than thở với mình: Đi làm bao năm mà em không tiết kiệm nổi vài chục triệu. Nhưng không hiểu sao vẫn ôm mộng sau này sẽ giàu và vẫn tiếp tục chi tiêu như hiện nay?).
Mình kỳ vọng đến năm 50 tuổi mình sẽ có 2 tỉ (Mức này là mức nhẹ nhàng không quá cao, không quá thấp với người Việt Nam ở các đô thị lớn).
Với mức chi tiêu hiện tại, giả sử tài sản mỗi năm của mình tăng 10%.
Như vậy, khi nhìn vào bảng này, bạn sẽ thấy: Đến năm 50 tuổi bạn chỉ có gần 700 triệu (chưa kể lạm phát).
Đến đây bắt đầu thấy hoảng.
Ối giời ơi thế thì chết à? Bạn sẽ tự sợ hãi và bắt đầu nghiêm túc với việc hoạch định tài chính hơn.
Trường hợp 2
Ở tuổi 30 mình có 300,000,000đ, cũng với mức tăng tài sản mỗi năm 10% thì đến năm 50 tuổi mình có 2 tỉ.
Thế nếu giờ mình mới có 100,000,000đ và mình vẫn muốn có 2 tỉ khi 50 tuổi thì sao? Khi ấy mình phải có kế hoạch tăng thu nhập hàng năm lên.
Dùng Excel tính thử: Nếu mỗi năm tài sản tăng 20% thì đến 50 tuổi mình có tận 3.8 tỉ rồi. Phù.. May quá.
Cuối cùng sau vài lần chạy hàm Excel thì mình chốt lại: Nếu mỗi năm mình đảm bảo tài sản của mình tăng 16% thì mình sẽ đạt KPI 50 tuổi.
Cứ như vậy, bạn hoàn toàn có thể thử thay đổi các con số trong bảng Excel.
Nếu bạn là một người theo đuổi KPI tài chính cao, bạn sẽ phải đặt mục tiêu tăng tổng tài sản hàng năm khá tham vọng.
Từ đó bạn sẽ phải nghĩ tiếp: Có những cách nào giúp tôi đạt mục tiêu tăng tổng tài sản như vậy? Có thể là cắt bớt chi tiêu? Có thể là tăng thu nhập từ các dự án ngoài hoặc đầu tư? Có các cách tăng thu nhập nào? Có các kênh đầu tư nào?
Vậy chốt lại, có hai cách đơn giản như đan rổ mà bạn có thể thử để duy trì “ngọn lửa khát khao” với việc kiếm tiền đó là: i) Tư duy sống độc lập, không dựa dẫm tài chính vào ai; ii) Tạo cho mình một nỗi sợ bằng cách hình dung tình huống xấu nhất xảy đến với mình hoặc người thân mà không thể giải quyết được nếu thiếu tiền. Sau đó xây ra bản kế hoạch tài chính để có hình dung cụ thể nhất về bức tranh tài chính hiện tại và tương lai.
Còn nếu bạn lại không quan trọng tài khoản có bao nhiêu tiền, hoặc là cha mẹ để lại đủ tài sản để không cần cố gắng nữa, hoặc theo phương châm “Đời này biết thế nào – cứ YOLO đi” thì cũng chả sao. Bạn có thể đặt KPI thấp đi và hài lòng với cuộc sống không quá dư giả, hoặc thôi lấy chồng/vợ giàu và chấp nhận làm thân tầm gửi vậy.