Ngoài mục quan trọng nhất trong CV là Work Experience mình đã hướng dẫn ra, bài này sẽ tập trung chỉ các bạn cách viết một số mục khá quan trọng khác.
Xem hướng dẫn viết Contact Details tại đây.
Bài này và bài sau sẽ chỉ nốt cho các bạn cách viết các phần còn lại của một CV tiếng Anh để cho xong chùm bài viết về cách viết CV, mình còn chuyển sang phần khác. Còn nếu các bạn muốn đọc bản đầy đủ nhất về cách viết CV tiếng Anh thì có thể đọc tại đây.
Phải nói trước là: trước khi học cách viết các mục này, mình khuyến khích người viết CV nên có tư duy viết CV cái đã.
Xem các bài khác về kỹ năng Tìm việc, Sự nghiệp và Làm việc của mình.
Tư duy viết CV là:
- Xác định được định hướng tìm việc.
- Viết CV và điều chỉnh CV cho phù hợp với định hướng đó, như vậy CV mới liên quan và phù hợp (yếu tố quan trọng nhất giúp bạn tăng tỉ lệ phỏng vấn).
- Đừng quá dựa dẫm vào các công cụ viết CV (ở Việt Nam có TopCV chẳng hạn). Công cụ giúp bạn làm nhanh hơn, nhưng để tận dụng tốt thì bạn phải hiểu mình cần cho cái gì vào CV, cần cấu trúc nó thế nào để “sell” bản thân tốt nhất.
Hiểu được tư duy viết CV rồi thì mình mới bàn tiếp đến cách viết các mục trong CV. Có như vậy CV của bạn mới hiệu quả được nhé.
Còn phần chính của bài là phần dưới đây.
Contents
Cách viết mục Education & Qualifications
Mục này có thể gọi tên khác là:
- Education & Training
- Qualification & Certificates
Nhưng mình đánh giá gọi là “Education & Qualification” là chính xác nhất.
Mục này gồm những gì?
- Bằng cấp Đại học, Thạc sỹ, Tiến sĩ – những thứ liên quan đến đào tạo học thuật và dài hạn (2 – 4 năm).
- Chứng chỉ – những khóa học ngắn hạn (1 ngày, 1 tuần, 1 tháng, tối đa là 1 năm) chuyên sâu vào 1 kỹ năng / nhóm kỹ năng phục vụ cho nghề nghiệp nhất định.
Độ quan trọng của mục này
Ngoài Work Experience quan trọng nhất ra, mục này cũng thuộc hàng top 3 mục quan trọng hàng đầu trong CV, bên cạnh mục Relevant skills & knowledge (Kỹ năng và kinh nghiệm liên quan).
Nếu bạn mới tốt nghiệp, chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc thì có thể để lên đầu CV, ở 1/3 trang đầu.
Nếu bạn đã có 3 – 5 năm kinh nghiệm, có thể đưa mục này xuống gần cuối trang, sau Work Experience và Relevant Skills & Knowledge.
Trình bày mục này thế nào?
- Liệt kê bằng cấp đào tạo học thuật trước, bắt đầu từ bằng cấp cao nhất tới bằng thấp nhất, cũng tức là bằng cấp gần đây nhất và đổ ngược lại các bằng cấp cũ hơn. Điều này cũng giống cách trình bày kinh nghiệm làm việc thôi.
Ví dụ như CV của mình:
Ở châu Âu, nhà tuyển dụng hiện nay có xu hướng thích các ứng viên học Master trở lên hơn một chút.
Đơn giản là vì giờ người học Master nhiều như lợn con nên họ nâng chuẩn lên thôi. Còn nếu bạn học xong Đại học nhưng nhiều kỹ năng và kinh nghiệm liên quan thì cũng chả sao cả.
Thậm chí nếu bạn có bằng Master – Doctor mà chưa có kinh nghiệm làm việc thì lại thành điểm yếu vì họ đánh giá bạn là “overqualified” (học cao quá) cơ.
Hiện nay, mình biết ở Việt Nam và trên thế giới có xu hướng các bạn học xong Đại học sẽ học thẳng lên Master luôn, vì nghĩ như vậy sẽ giúp các bạn tăng cơ hội tìm được việc tốt.
Ở Việt Nam thì nhiều bạn nữ cho rằng các bạn học xong Master rồi lập gia đình, thế là đẹp. Đây là một suy nghĩ rất đáng xem xét lại.
Mình sẽ viết về chủ đề này ở một bài khác. Còn bây giờ các bạn có thể đọc thêm ở đây.
Vì vậy bằng cấp của bạn thế nào đi nữa thì hãy đảm bảo bạn tích lũy được nhiều kinh nghiệm làm việc liên quan. Đây mới là điều quan trọng nhất.
Trừ khi bạn làm những nghề cần rất nhiều năm đào tạo chuyên môn hoặc khan hiếm người có nền tảng chuyên môn như bác sỹ, luật sư, lập trình v.v.
- Viết tên trường trước, tên bằng sau, địa điểm của trường.
Bạn nào học online thì cũng không cần cho vào làm gì, tự nhiên làm cho profile của mình hạ giá đi một chút.
Nếu bạn điểm cao thì có thể cho vào, còn điểm thấp thì thôi nhé. Các cụ bảo “Tốt khoe xấu che” mà.
- Thời gian theo học: mm / yyyy – mm / yyyy (tháng/năm).
- Làm cho mục này liên quan và phù hợp với công việc bạn đang ứng tuyển:
Nếu bạn có môn học hoặc khóa luận có chủ đề liên quan tới JD, ví dụ như môn Digital Marketing, Social Media, Content Strategy để ứng tuyển cho vị trí Digital Marketing thì rất nên đưa vào. Còn môn nào không liên quan thì không, tránh làm loãng CV.
- Liệt kê các chứng chỉ ngắn hạn, cũng theo thứ tự: chứng chỉ gần đây nhất trước, đổ ngược lại về chứng chỉ cũ.
Nếu bạn tìm việc ở châu Âu, mục này giúp tăng điểm cho bạn rất nhiều, bởi nó chứng tỏ bạn được đào tạo sâu về một chuyên môn nhất định và có kỹ năng thực tế, có thể làm việc được ngay. Không như bằng Đại học hoặc Master dạy kiến thức nền tảng chung chung.
Và lại một lần nữa: Chỉ đưa các chứng chỉ có liên quan tới yêu cầu JD vào mà thôi. Chứng chỉ nào không liên quan thì thôi.
Ví dụ: Nếu bạn từng học ACCA / CFA (chứng chỉ trong ngành Tài chính – Kế toán), học cả chứng chỉ Marketing như Google Ads, Facebook ads thì đừng đưa chứng chỉ ACCA / CFA khi ứng tuyển công việc Marketing. Nó sẽ khiến nhà tuyển dụng băn khoăn “Không biết bạn đã có định hướng công việc rõ ràng chưa, mà học cả Marketing lẫn Tài chính thế?”
Viết Career Summary
Mục này còn có các tên gọi khác:
- Profile
- Profile Summary
Mục này được mọi người đánh giá là có hay không cũng được (optional). Tuy nhiên, mình thấy nếu ai biết cách tận dụng mục này thì sẽ tăng độ hiệu quả của CV vì:
- Giúp người đọc CV có đánh giá nhanh về toàn bộ profile của bạn và độ phù hợp của bạn với công việc.
- Nếu nhà tuyển dụng sử dụng công cụ lọc CV (thay vì người lọc), thì mục này cho phép bạn đưa các keyword phù hợp với công việc vào để tăng điểm phù hợp.
Ở châu Âu nhiều nhà tuyển dụng dùng công cụ ATS – Applicant Tracking System. Khi dùng, với mỗi vị trí, HR sẽ sử dụng một số keyword liên quan đến yêu cầu công việc để giúp công cụ lọc CV.
Công thức viết Career Summary
Mình thấy nhiều bạn viết mục này rất dài dòng, tới 7 – 10 dòng và chung chung, đọc xong không thấy đọng lại thông tin gì cả.
Điển hình các bạn hay viết kiểu: ứng viên trách nhiệm, thông minh, teamwork tốt, v.v. tìm kiếm các cơ hội học hỏi phát triển, nâng cấp bản thân v.v.
Viết như vậy không sai nhưng vì ai cũng viết, nên không giúp bạn trở nên khác biệt.
Khác biệt ở đây không phải là độc nhất, mà đơn giản là khiến bạn đủ khác để nhà tuyển dụng gọi bạn vào vòng phỏng vấn thôi.
Có 2 cách viết mục này:
Cách 1: Công thức P – P – F
- Present – hiện tại: 1 câu viết về hiện tại của bạn. Bạn bao nhiêu tuổi, hiện đang làm gì, 1 – 2 đặc trưng của bạn.
Ví dụ: A young marketer with a strong interest in customer insights and digital marketing landscape.
- Past – quá khứ: 1 câu tóm tắt lịch sử công việc của bạn.
Ví dụ: 3 years of experience in Market Research, content creation and content plan development in retail and banking industries.
- Future – tương lai: 1 câu về định hướng của bạn trong tương lai gần. Định hướng này phải phù hợp với công việc bạn đang ứng tuyển.
Ví dụ: Looking for opportunity to advance my Digital Marketing skills and develop management skills in a global retailer. (và công việc bạn đang ứng tuyển thuộc ngành Retail)
Bạn phải cụ thể như vậy, chứ đừng dùng mấy từ chung chung, không thì những gì bạn viết không có giá trị.
Cách 2: USP – Unique Selling Point (điểm khác biệt)
Cũng 3 câu thôi: 1 câu về Present, 1 câu về điểm khác biệt, 1 câu về Future.
Nếu bạn thực sự có điểm nào đấy nổi trội và khác biệt hẳn so với mọi người, ví dụ kinh nghiệm và kỹ năng liên quan rất tốt thì nên dùng cách này.
Còn trường hợp bạn cảm thấy các điểm mạnh của mình không quá nổi trội thì mình khuyên bạn nên theo cách 1 cho an toàn và luôn đúng.
Bài sau mình sẽ bàn về cách viết mục Relevant skills & Knowledge (Kỹ năng và kinh nghiệm liên quan), Language, Hobbies, Reference và cách sử dụng Strong verbs (động từ mạnh) khi viết CV.
Các bạn đón đọc nhé! Ngoài ra nếu muốn liên hệ với mình, các bạn có thể tìm mình trên LinkedIn hoặc viết cho mình qua vominhngoc85@gmail.com.