Viết CV phải bắt đầu từ việc hiểu định hướng tìm việc và định hướng nghề nghiệp của bạn, vì vậy hãy tư duy chiến lược trước khi bắt tay vào viết CV.
Contents
2 sai lầm mang tính chiến lược khi viết CV khiến bạn không bao giờ được hẹn phỏng vấn
Hai sai lầm cốt lõi mang tính chiến lược khi viết CV ở 90% người tìm việc ở cả Việt Nam lẫn châu Âu (những sai lầm này chắc ai phải từng làm Tuyển dụng mới hiểu rõ, chứ những trang dạy viết CV mình thấy không chỉ ra):
- Không suy nghĩ về định hướng công việc mình muốn ứng tuyển. Bạn nào kinh nghiệm viết CV càng non thì sẽ càng bắt đầu luôn từ việc:
Lên mạng tải một cái CV mẫu mà bạn nhìn đèm đẹp về, sau đó cố gắng nhồi nhét càng nhiều thông tin về bản thân mình càng tốt.
>> Xem Hướng dẫn đầy đủ của mình về cách viết CV tiếng Anh
- Không điều chỉnh CV phù hợp với công việc mình muốn tìm (đọc thêm về ý này tại đây). Nhồi nhét mọi loại thông tin về bản thân từ trước đến giờ vào mà không có sự chọn lọc.
Thật ra sai lầm này cũng bắt nguồn từ sai lầm số 1.
Hệ quả của hai sai lầm này là CV của bạn không phù hợp và liên quan tới công việc bạn đang ứng tuyển. Hoặc có bạn từng thử điều chỉnh rồi nhưng không biết cách, nên CV vẫn chưa thực sự phù hợp.
Định hướng tìm việc là gì? Vì sao cần có định hướng tìm việc?
Định hướng tìm việc là có mục tiêu rõ ràng trong đầu về loại công việc bạn muốn làm. Mục tiêu này càng cụ thể càng tốt, và nói cho dễ hiểu thì đó là nghề bạn muốn làm.
Đọc thêm các bài viết của mình về Tìm việc.
Ví dụ: Mình nhiều kinh nghiệm làm Marketing và Truyền thông (Communication) nên mình sẽ lấy ví dụ trong nghề Marketing khi mình tìm việc ở Đức nhé.
Mình có nhiều kinh nghiệm về Marketing nói chung và 5 lĩnh vực con của Marketing là Digital Marketing, Social Media Marketing, Communication, Media Relations (quan hệ báo chí), Branding (thương hiệu).
Sau khi tìm hiểu về thị trường lao động ở Đức, mình thấy trong 5 lĩnh vực này thì chỉ có 3 lĩnh vực Digital Marketing, Social Media Marketing và Communication là có nhu cầu tuyển dụng cao.
Do đó mình sẽ xác định: Mình sẽ tìm việc theo 3 hướng này.
Từ đó mình sẽ xây dựng danh sách các công việc mình ứng tuyển ở Đức liên quan tới 3 hướng Digital Marketing, Social Media Marketing, Communication, và viết CV theo 3 hướng này.
Như vậy, xác định ra định hướng tìm việc là bước đầu tiên bạn cần làm trước khi bắt đầu viết CV.
Khi có định hướng tìm việc, bạn mới làm bước tiếp theo là điều chỉnh CV của bạn phù hợp với định hướng đó.
Càng ở những thị trường tuyển dụng khó tính và cạnh tranh như châu Âu, Mỹ, việc này càng quan trọng. Nếu không thì CV của bạn không bao giờ cạnh tranh được với vô số đối thủ từ nhiều nước khác nhau.
Chỉ khi CV của bạn phù hợp và liên quan tới công việc bạn đang muốn ứng tuyển (target job), bạn mới có hi vọng đặt chân tới vòng phỏng vấn.
Mình từng chia sẻ với các bạn mentee của mình ở châu Âu về câu chuyện vì sao mình tìm được việc ở Đức – một thị trường tuyển dụng khó tính bậc nhất châu Âu, chỉ sau 3 tháng, và lúc ấy mình còn đang ở Việt Nam.
Bản mô tả công việc của công việc đó (Job Description) giống 100% những gì mình đã làm trong 4 năm gần đây ở Việt Nam. Tất cả những gạch đầu dòng về yêu cầu cho ứng viên và phạm vi công việc, mình đều đáp ứng được với mức tốt – khá tốt.
Vì vậy, đặc biệt khi bạn tìm việc ở châu Âu, nếu bạn không thể hiện được CV của bạn giống đến 80% – 90% bản JD thì cơ hội đi phỏng vấn và trúng job sẽ rất thấp.
Việc này cũng áp dụng với chồng mình. Chồng mình là người Đức, và khi ở Việt Nam chồng mình là CFO (Giám đốc Tài chính) cho một tập đoàn hàng đầu của Đức ở Việt Nam.
Chồng mình cũng tìm được việc ở Đức từ khi còn ở Việt Nam sau khoảng 3 tháng. Và công việc mới này, chồng mình có nhận xét, giống đến 95% những gì anh ấy đã làm ở công việc trước đó.
Bạn đừng nghĩ: “Anh ấy là người Đức, lại là CFO, và rất nhiều kinh nghiệm rồi thì tìm được việc là chuyện đơn giản” nhé.
Chồng mình cũng phải gửi đi khoảng 100 đơn, mới có khoảng 4 – 5 cuộc phỏng vấn, và trúng được công việc ở Đức đó.
Do vậy, nếu bạn không điều chỉnh được CV sao cho thật phù hợp thì bạn không có cửa, nhất là với các công việc mang tính cạnh tranh cao. (Trừ khi bạn sở hữu nhóm kỹ năng và kinh nghiệm hiếm có, và nhu cầu tuyển dụng đang cao như Lập trình)
Phân tích qua case study – CV của ứng viên Việt Nam tại Đức
Mình sẽ lấy ví dụ luôn từ CV của một bạn mentee của mình ở Đức. Bạn muốn tìm việc liên quan tới Marketing, và cụ thể hơn liên quan tới mảng Analytics (phân tích số liệu).
Đây là CV lúc đầu của bạn. Để đảm bảo quyền riêng tư, mình đã che tên của bạn, thông tin liên hệ, tên trường và tên nhà tuyển dụng của bạn.
CV của bạn nếu tìm việc ở Việt Nam thì xác suất được gọi đi phỏng vấn có lẽ khá ổn. Vì các kinh nghiệm bạn có đều liên quan tới Marketing. Các chứng chỉ của bạn cũng vậy.
Nhưng nếu bạn định dùng CV này tìm việc ở Đức thì khả năng tìm được việc sẽ rất khó, vì những gì bạn làm không phù hợp với nhu cầu tuyển dụng ở Đức, thường có nhu cầu cao về Digital Marketing, Social Media Marketing, Influencer Marketing, Content Marketing.
Họ yêu cầu hiểu biết và kinh nghiệm thực sự chuyên sâu chứ không chỉ dừng ở việc viết vài bài trên mạng xã hội hay website là đủ.
3 kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam của bạn khó mà tạo được lợi thế cạnh tranh cho bạn ở Đức.
- Kinh nghiệm hiện tại: Senior Marketing & Admission Executive: Admission thực chất là làm Sales. Và nếu ai ngoài ngành Giáo dục thì sẽ không hiểu Admission là làm gì. Hơn nữa Marketing cũng là job title còn hơi chung chung so với yêu cầu bên Đức.
- Kinh nghiệm thứ 2: Brand Executive: Branding thực ra là một nhóm kỹ năng rất trừu tượng và đòi hỏi chuyên môn thực sự giỏi. Số người có thể làm Branding thực ra rất ít. Theo quan sát của mình, rất ít nhà tuyển dụng ở châu Âu nói chung tuyển các bạn ít kinh nghiệm để làm branding.
- Kinh nghiệm thứ 3: Marketing Officer: cũng quá chung chung so với nhu cầu tuyển dụng ở Đức.
Ở Đức và châu Âu nói chung, người Việt Nam muốn tìm việc trong mảng Marketing sẽ gặp nhiều khó khăn bởi:
- Thứ nhất là năng lực ngoại ngữ so với dân các nước châu Âu còn hạn chế. Các ứng viên từ các nước châu Âu thường có thể nói ít nhất 1 ngoại ngữ tiếng Anh, và rất nhiều người nói được 1 – 2 tiếng khác như Đức, Pháp.
- Thứ hai là kỹ năng giao tiếp so với dân các nước phương Tây. Người Việt Nam nói chung khi ra thế giới thường không tự tin, và nhất là khi nói chuyện thì không khéo léo bằng các nước bạn. Nếu chưa tự tin với kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh, các bạn có thể tìm hiểu thêm về các khóa học tại Impactus.
May mắn là những công việc liên quan tới số liệu và công cụ như Business Analytics (phân tích số liệu kinh doanh), Digital Marketing, hay Online Marketing, Content Marketing lai là những công việc mà người Việt của chúng ta có thế mạnh. Trong khi đó, số ứng viên ở châu Âu sở hữu nhóm kỹ năng này không nhiều.
Vì vậy, mình khuyên bạn mentee đó là: Nên điều chỉnh CV của bạn theo hướng liên quan tới Digital Marketing, Online Marketing và Content Marketing.
Điều chỉnh CV thế nào để phù hợp với định hướng tìm việc?
Bước 1: Với mỗi định hướng, tạo một CV riêng
Chỗ này là tip siêu giá trị của mình cho bạn. Mình đảm bảo bạn không tìm được nguồn nào hướng dẫn cho bạn tip này.
Bạn có thấy: Các trang hướng dẫn tìm việc thường khuyên bạn: Với mỗi công việc thì bạn cần phải viết một CV dành riêng cho nó phải không?
Nhưng mọi người cũng khuyên bạn: Phải gửi đi càng nhiều CV càng tốt.
Thế nếu ai ở châu Âu, phải gửi tới 200 – 300 CV mới có khả năng trúng tuyển, thì bạn phải viết 200 – 300 cái CV à?
Nghe thế thì quá nản. Chắc ai cũng bỏ cuộc ngay từ vòng gửi xe.
Nhưng thật ra, theo bí kíp của mình, bạn hãy xác định ra 2 – 3 định hướng phù hợp, rồi với mỗi định hướng thì tạo 1 CV phù hợp cho nó. Có nghĩa là bạn nên có 2 – 3 CV với các định hướng khác nhau, rồi dùng các CV này để rải đơn hàng loạt.
Và tốt nhất là các định hướng này nên liên quan đến nhau.
Ví dụ như của mình, các lĩnh vực này đều thuộc Marketing. Bạn cũng có thể chọn 3 lĩnh vực thuộc Sales và Marketing. Chứ nếu 3 lĩnh vực không liên quan, ví dụ như Project Management, Marketing, Finance thì nhìn CV sẽ thấy vô lí nhé.
Riêng đối với một số công việc ở một số công ty mà bạn cực kỳ thích, hãy tạo riêng một CV cho nó và điều chỉnh từng chút một.
Như vậy, nếu bạn gửi đi 100 CV thì thật ra bạn chỉ cần tạo 5 – 6 CV mà thôi.
Dễ thở hơn nhiều phải không?
Ví dụ, với bạn mentee của mình, bạn nên tạo 3 CV:
- Một CV dành để ứng tuyển các công việc về Digital Marketing
- Một CV cho Social Marketing
- Một CV cho Content Marketing
Bước 2: Điều chỉnh từ khóa trong CV để phù hợp với định hướng
Vậy giả sử bạn mentee A của mình muốn điều chỉnh CV riêng cho công việc về Digital Marketing thì phải làm thế nào?
Đầu tiên, đưa càng nhiều từ khóa liên quan tới Digital Marketing càng tốt vào các vị trí sau trong CV:
- Tiêu đề công việc hiện tại hoặc tiêu đề công việc bạn đang ứng tuyển ở phần đầu CV, ngay trên phần Thông tin liên hệ.
- Các từ khóa Digital Marketing hoặc liên quan tới Digital Marketing như SEO (Search Engine Optimization), SEM (Search Engine Marketing), SEA (Search Engine Advertisement) vào phần Career Summary.
- Tiêu đề công việc (Job title) ở phần kinh nghiệm làm việc và các đầu mục mô tả phần Trách nhiệm công việc (Responsibilities).
- Nếu không biết viết thì bạn có thể tham khảo trên Google rất nhiều mẫu CV và JD cho công việc Digital Marketing.
Ví dụ:
Tìm “CV sample digital marketing” để ra CV mẫu tại đây và đây.
Tìm “JD digital marketing” để ra JD mẫu tại các trang Tuyển dụng nổi tiếng như Monster và Glassdoor.
- Sau đó bạn chọn những từ khóa và đầu mục phù hợp nhất để mô tả kinh nghiệm của bạn.
Có bạn sẽ hỏi: Nếu em thay đổi job title cũ của em có sao không?
Đây là một câu hỏi rất thông minh.
Nếu bạn có kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam, và phạm vi công việc của bạn thực tế là về Digital Marketing, thì bạn hoàn toàn có thể đổi job title thành Digital Marketer.
Còn nếu phạm vi công việc của bạn không hoặc rất ít liên quan thì bạn đừng nên đổi. Vì như thế là bạn đang nói dối về năng lực và kinh nghiệm của mình.
Sau này khi đi phỏng vấn cũng sẽ lộ ra, rất không hay. Hoặc nếu bạn may mắn trúng thì cũng sẽ rất khó để đáp ứng được yêu cầu công việc.
Còn nếu bạn có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài thì mình khuyên không nên đổi title vì các công ty không có sự linh động như ở Việt Nam, hoặc ít ra bạn nên hỏi xin phép sếp bạn / bộ phận Nhân sự công ty rồi mới đổi.
- Các chứng chỉ và bằng cấp
Hãy đưa các chứng chỉ bạn tích lũy được về Digital Marketing vào. Ví dụ như bạn mentee của mình đã có chứng chỉ của Hubspot hay học khóa Google Ads for beginners.
- Các kỹ năng và kiến thức
Các kỹ năng và kiến thức trong mảng Digital Marketing như SEO, SEM, SEA, email marketing, LinkedIn marketing v.v.
Lưu ý:
- Mình chỉ hướng dẫn bạn cách điều chỉnh CV cho phù hợp, chứ không nói rằng bạn nên bịa ra các kinh nghiệm, bằng cấp liên quan nhé.
- Việc nói dối trong CV, đặc biệt là những phần quan trọng như kinh nghiệm làm việc, kỹ năng cốt lõi liên quan đến công việc, sẽ tạo ra những hệ quả lớn. Nhà tuyển dụng chỉ cần hỏi bạn vài câu, hoặc cho bạn làm bài test sẽ lộ ngay. Và khi ấy bạn sẽ để lại ấn tượng vô cùng xấu.
Bạn thấy đấy, việc viết CV thật ra không hề đơn giản, cũng như việc tìm việc vậy. Nó bao gồm vô số các kỹ năng khó, đòi hỏi bạn dành thời gian và sự nghiêm túc cho nó.
Nếu bạn có câu hỏi gì, đừng ngại gửi email cho mình qua email vominhngoc85@gmail.com nhé.