Đây là bài viết cuối cùng, hoặc gần cuối cùng… trong loạt bài hướng dẫn cách viết CV bằng tiếng Anh. Các bạn like Facebook page của mình để đọc thêm về các chủ đề khác ngoài CV nhé.
Bài này hướng dẫn viết nốt các mục sau:
- Skills (kỹ năng)
- Knowledge (kiến thức)
- Language skills (ngoại ngữ)
- Hobbies (sở thích)
- Reference (người tham chiếu)
Contents
Viết mục Skills thế nào?
Phần này mình đặc biệt khuyến khích các bạn đang tìm việc ở châu Âu lưu tâm và chăm chút.
>> Đọc thêm Hướng dẫn đầy đủ của mình về cách viết CV tiếng Anh.
Nhu cầu của nhà tuyển dụng châu Âu đi rất cụ thể và sâu về chuyên môn, nên bạn cần thể hiện năng lực và kiến thức chuyên môn của bạn có thể đáp ứng yêu cầu công việc.
Điều này khác với nhà tuyển dụng ở Việt Nam. Nhiều khi ứng viên tỏ ra thông minh sáng láng, thái độ tốt là cũng chấp nhận. “Tuyển vào rồi đào tạo dần” – đây là tư duy phổ biến ở Việt Nam.
Còn ở châu Âu, họ tuyển là họ biết chắc chắn ứng viên đó vào sẽ làm được việc luôn. Có hướng dẫn thì cũng chỉ là cung cấp thông tin sản phẩm, quy trình nội bộ, văn hóa v.v. mà thôi.
Đây là một số ví dụ mình thường gặp ở CV của các bạn khi viết mục này. Các ví dụ này có thật từ CV của các bạn mentee cũ của mình.
Vấn đề của những ví dụ này là:
Đa số đều là các kỹ năng mềm (trừ ở ví dụ thứ nhất thì mình nhớ mỗi English và Japanese), rất khó kiểm chứng và đánh giá thang điểm. Những kỹ năng này thuộc loại “vô thưởng vô phạt”, ai cũng có thể đưa vào.
Chính vì ai cũng đưa vào, nhà tuyển dụng đọc CV na ná nhau, nên mục này không đọng lại được gì trong đầu họ.
Bạn nên viết gì trong mục Skills?
Tập trung vào hard skills của bạn. Đọc thêm bài này để hiểu kỹ hơn về hard skills.
Hard skills là các kỹ năng chuyên môn đặc trưng cho loại công việc bạn làm. Nếu không có kỹ năng chuyên môn, bạn không thể đảm đương được việc đó.
Ví dụ về hard skills:
- Bác sỹ thì phải biết phẫu thuật, đọc bệnh án, khám bệnh v.v.
- Lập trình viên thì phải biết viết code, biết lập trình các loại ngôn ngữ khác nhau như PHP, Python v.v.
- Digital marketer thì phải biết làm SEO, SEM, SEA v.v.
Nếu bạn tự hỏi: “không biết mình có những hard skills gì nhỉ”, bạn có thể Google các yêu cầu về kỹ năng của một người làm công việc của bạn cần có và đối chiếu.
Mình diễn giải sâu và dùng ví dụ viết hard skills cho một digital marketer để các bạn hiểu cách tư duy nhé.
Kỹ năng cần có của digital marketer có thể đọc được ở rất nhiều nguồn khi Google từ khóa “skills needed for digital marketing”. Ở trang 1 kết quả tìm kiếm của Google, bạn đọc 5 – 6 nguồn đầu tiên, trừ các bài quảng cáo ra.
Kết quả chung từ các nguồn thường sẽ là:
- SEO (Search Engine Optimization) / SEM (Search Engine Marketing)
- Data Analysis (phân tích số liệu)
- Content Creation (phát triển nội dung)
- Social Media (mạng xã hội)
- Basic Design Skills (kỹ năng thiết kế cơ bản)
Tham khảo cụ thể tại các nguồn Michael Page và Digitalmarketinginstitute.com.
Bạn nên đưa 5 – 7 hard skills liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển vào.
Viết mục Knowledge thế nào?
Mục này có thể gọi một cách văn hoa trong CV là “Key expertise” (/ˌɛkspɜːˈtiːz/). “Expertise” bắt nguồn từ “expert” – chuyên gia nhe các bạn.
Knowledge (kiến thức) khác với hard skills (kỹ năng) nhé. Đọc thêm tại đây để hiểu kỹ hơn.
Kiến thức là nền tảng hiểu biết về một lĩnh vực nhất định, thường tích lũy qua việc giáo dục – đào tạo ở trường lớp, đọc hiểu, phân tích. Kiến thức có thể hiểu nôm na là gắn với “hiểu biết”, còn kỹ năng thì gần với “làm”.
Nếu có kiến thức thì lúc làm sẽ chắc chắn, khó mà sai được.
Kiến thức có thể xếp thành các loại như:
- Kiến thức về luật: Hiểu biết về luật và các loại quy định của Nhà nước
- Kiến thức chính trị, xã hội nói chung.
- Kiến thức về kinh tế, các mô hình kinh doanh, quản trị v.v.
- Kiến thức về chuyên môn: Hiểu biết về ngành / nghề bạn đang ứng tuyển. Ví dụ kiến thức trong ngành Banking, ngành Retail, ngành Technology.
Dưới đây là ví dụ về mục Knowledge trong CV của mình. Mình đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Marketing – Truyền thông.
Các bạn thấy toàn các từ rất “nguy hiểm”, đao to búa lớn đúng không?
Phần này nếu các bạn mới tích lũy được 1 – 2 năm kinh nghiệm thì nên cẩn thận, chỉ đưa vào khoảng 3 – 4 gạch đầu dòng, và tránh gọi là “Key expertise” mà gọi là “Knowledge” thôi. Không thì nghe rất phô đó.
Bạn cũng thấy nhiều từ nguy hiểm thuộc dạng “kiến thức” như “strategy”, “management”, “analysis”, “production” đúng không. Đó là đặc điểm của mục này.
Cách viết mục Language
Mục này nên tách thành một mục riêng ở cuối CV và gọi là “Language skills”.
Cách viết thì đơn giản thôi, ở đây mình chỉ bật mí 1 số tip để viết cho hay hơn.
Có những người viết theo kiểu đơn giản như mình, thì chỉ liệt kê đúng các loại ngôn ngữ mình biết, và xếp hạng. Ví dụ: English: fluent.
Thứ tự các loại ngôn ngữ:
Đầu tiên là ngôn ngữ quan trọng nhất cho thị trường tuyển dụng đó, và giảm dần tới tiếng mẹ đẻ (vì đã là tiếng mẹ đẻ thì ai chả tốt rồi, nên nó là thông tin ít quan trọng nhất).
Ví dụ như mình khi viết CV tìm việc ở Đức:
- German: advanced
- English: fluent
- Vietnamese: native
Ở đây mình bật mí cho các bạn cách dùng từ mô tả độ thuần thục của ngoại ngữ sao cho hay.
- Với tiếng mẹ đẻ: native hoặc mother tongue
- Với ngoại ngữ:
– Rất tốt / xuất sắc / thành thạo: fluent, advanced, native-like, excellent
Lưu ý về các chứng chỉ như IELTS, TOEIC:
- Nếu các bạn ứng tuyển ở Việt Nam thì có thể đưa vào vì đây là các chứng chỉ phổ biến, nhà tuyển dụng sẽ có hình dung nhất định.
- Còn nếu bạn ứng tuyển ở châu Âu, hay cho tập đoàn phương Tây ở Việt Nam mà khả năng cao người đọc CV là sếp Tây: đừng đưa vào vì thực sự Tây chả biết IELTS hay TOEIC là gì đâu.
Bạn chỉ cần thể hiện trong CV là tiếng Anh của bạn xịn là đủ.
– Còn nếu ngoại ngữ của các bạn không tốt / trung bình thì sao?
Nhiều bạn dùng từ “basic” hoặc “average”, thật nhưng không hay và không đủ “nguy hiểm”. Bạn có thể dùng từ “proficient”.
Từ này mình được một bác người Úc trước làm HR chỉ cho mình. Thật ra nghĩa đen của nó là “đủ xài” thôi, nhưng nó tạo cảm giác tích cực, “nguy hiểm”.
Còn có bạn cẩn thận, liệt kê trình độ mỗi kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết. Cũng được, nhưng thật ra mình thấy không cần thiết.
Cách viết mục Hobbies (sở thích)
Mục này còn gọi là Interests.
Ở Việt Nam, các bạn ít kinh nghiệm viết CV thường hay đưa vào các sở thích như đọc sách, nghe nhạc, xem phim, du lịch v.v.
Nói thật là nếu ngoài đời các bạn kể những thứ này cho bất kỳ ai thì họ cũng chả thèm nghe (vì quá chán) nữa là nhà tuyển dụng!
Chỉ khi bạn có những sở thích đặc biệt hơn bình thường, và liên quan và phù hợp với yêu cầu công việc thì bạn hãy đưa vào.
Ví dụ: Nếu bạn ứng tuyển làm Designer, Video producer, Creative Marketing mà bạn có sở thích là chụp ảnh, quay phim thì hãy đưa vào.
Nếu bạn ứng tuyển làm Analyst mà sở thích của bạn là những môn hack não như chơi cờ vua thì đáng để đưa vào.
Trước mình từng phỏng vấn một bạn nữ có sở thích chạy bộ. Bạn có khả năng chạy dài 4 – 5km. Với các bạn nữ Việt Nam thế cũng là khá rồi. Mình có ấn tượng vì thường ai chạy dài được thì có sự kiên trì và khả năng chịu đựng tốt.
Còn không có sở thích gì nổi bật thì bỏ mục này đi. Đừng vì nghĩ nó làm CV đỡ trống mà cho vào, không có tác dụng gì, thậm chí còn khiến nhà tuyển dụng đánh giá bạn hơi “trẻ con”.
Nếu bạn đang tìm việc ở châu Âu thì tốt nhất không đưa mục này vào, trừ khi bạn có sở thích nào đó đặc biệt như tập đầu tư chứng khoán ảo chẳng hạn. Rất hay nếu bạn đang tìm việc trong ngành Đầu tư nhé.
Viết mục Reference (người tham chiếu)
Lời khuyên của mình cho mục này là: Đừng viết mục này – hãy bỏ nó ra khỏi CV của bạn!
Nhà tuyển dụng khi đọc mục này thường bỏ qua, không nghĩ gì cả. Vì ở bước lọc CV việc biết người tham chiếu của bạn là ai hoàn toàn không liên quan.
Lấy reference thường là ở bước cuối cùng, khi bạn đã được short-listed (có nghĩa là 1 trong 2 người được chọn cuối cùng rồi), họ mới cần kiểm tra với nhà tuyển dụng cũ xem bạn thế nào, bạn có bốc phét gì trong CV không.
Bước này nhiều nhà tuyển dụng là công ty Việt Nam nhỏ thường bỏ qua. Đây là một sai lầm khá đáng tiếc, bởi nếu kiểm tra sẽ thấy khá nhiều ứng viên nói dối.
Thực tế là nếu bạn đã vào đến vòng short-list, check reference và reference letter là bước khá quan trọng. Mình sẽ viết ở một bài khác.
Còn ở vòng CV thì hãy bỏ nó đi và dành đất cho những mục có thể “sell” bạn tốt hơn như Skills, Knowledge, Certification, Awards (giải thưởng) – nếu có.
Trừ khi bạn có người tham chiếu rất xịn, như CEO của tập đoàn siêu to, ai cũng biết đi. Khi ấy họ sẽ “ố”, “á” vì bạn mà quen người xịn thế, chứng tỏ bạn phải thế nào ý chứ.
Túm cái váy, sau khi đọc xong bài này, các bạn hãy đầu tư viết mục Skills và Knowledge cho xịn, bỏ qua mục Hobbies và Reference, viết mục Language đơn giản – chính xác là đủ.
Nếu thấy bài này có giá trị, bạn hãy tặng mình một nút Facebook share nhé! 🙂