Xin chào mọi người! Sau gần 1 năm đổi việc và tập trung năng lượng để xây dựng chỗ đứng, giờ nó cứng cứng chút rồi mình mới quay lại viết blog đây.
Lâu không viết, mình thử nhờ mọi người xung quanh gợi ý xem chủ đề nhức nhối mọi người hiện đang quan tâm làm gì, và có rất nhiều gợi ý liên quan tới Tiền.
Điều này rất hợp lý xét về bối cảnh thế giới hiện nay, ấy vậy mà với mình thì 2023 lại là lần đầu tiên mình không đặt Tiền vào danh sách các ưu tiên của năm. Đơn giản là vì theo mình đánh giá, năm nay là 1 năm khó mà làm ra nhiều tiền. Đã thế thì thôi đừng cố nghĩ về nó.
Nhưng để cảm ơn mọi người đã gợi ý, mình vẫn sẽ viết về chủ đề này. Bài này hoàn toàn theo quan điểm cá nhân thôi nha mọi người.
Để nói về Tiền trong năm 2023 thì đầu tiên phải nhìn lại Tiền trong năm 2022. Vấn đề của mình với Tiền trong năm 2022 mình nghĩ có nhiều điểm chung với rất nhiều người khác, cũng bắt nguồn từ các biến động chính trị – kinh tế trên thế giới mà ra.
Contents
Đánh giá chung về tình hình thế giới 2022
Hồi tưởng lại 2021 một chút. Dù 2021 là năm xấu cho thế giới do dịch Covid và chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, những tưởng ảnh hưởng tới kinh tế, nhưng hóa ra đây lại là một năm khá tốt cho nền kinh tế thế giới, tốt một cách ngạc nhiên cho các loại thị trường đầu tư.
Vì sao kinh tế thế giới vẫn tốt trong năm 2021?
Do dịch Covid thì mọi người ở nhà nhiều, khiến các công ty công nghệ, vốn là động lực rất lớn cho nền kinh tế hiện nay, phát triển mạnh mẽ. Các ngành khác thì trừ những ngành như Du lịch, Khách sạn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Covid thì không phải trải qua biến động lớn lắm. Nhìn chung các công ty vẫn kinh doanh tốt, nhiều tiền.
Người dân trừ việc không được ăn chơi nhảy múa ra, tiết kiệm được ối tiền nên vẫn rủng rỉnh, họ lại bị nhốt ở nhà, rảnh quá vào mua sắm online, nghiên cứu các kênh đầu tư. Chính thế nên các loại thị trường như chứng khoán và crypto lại được hưởng lợi nhờ dòng tiền ồ ạt vào từ các nhà đầu tư lẻ. Ví dụ như chỉ số S&P 500 (chỉ số chứng khoán của 500 công ty lớn nhất nước Mỹ) hay VN Index chẳng hạn.

Chỉ số S&P 500 từ năm 2018 – 2023

Chỉ số VN Index từ tháng 3/2018 – tháng 1/2023
Thị trường crypto cũng rất sôi động. Năm 2021 chắc nhiều người ở Việt Nam kiếm tiền tỉ nhờ crypto trước khi mùa đông crypto vào cuối 2021 tới.
Về mình thì hòa chung vào không khí sôi động của năm cộng với sự FOMO cực mạnh của bản thân, mình cũng hưởng lợi khá lớn từ các hoạt động đầu tư này.
Bước sang 2022
Cũng nhờ đà của 2021, mình (và chắc nhiều nhà đầu tư khác) hết sức lạc quan với triển vọng 2022 do dịch Covid sắp qua, vì vậy tự tin đổ thêm tiền vào các kênh đầu tư. Thế nhưng ai dè… Có lẽ Putin trở thành kẻ thù của cả thế giới và giới đầu tư kinh doanh chứ không riêng gì người dân Ukraine.
Đầu năm 2022, chiến tranh Nga – Ukraine như một quả bom phá hủy không chỉ nước Ukraine và sự ổn định kinh tế thế giới. Từ đây mà phương Tây và Nga bắt đầu bước vào cấm vận kinh tế. Nga, vốn là nhà cung cấp năng lượng chính cho châu Âu, bắt đầu cắt hết nguồn cung năng lượng, dẫn tới tình trạng cầu vượt quá cung, đẩy giá năng lượng lên chót vót.
Một khi giá năng lượng lên cao thì thảm họa bắt đầu, bởi gần như mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều phải phụ thuộc vào năng lượng. Gần như mọi ngành kinh doanh đều bị ảnh hưởng do chi phí sản xuất kinh doanh tăng chóng mặt, đẩy giá thành sản phẩm lên chóng mặt. Lạm phát ở châu Âu năm 2022 lên tới 10% (cao hơn cả ở Việt Nam).

Dự báo lạm phát thế giới 2022 – 2026 – Nguồn: World Bank
Chuỗi domino giá năng lượng nhảy vọt – giá cả, chi tiêu leo thang dẫn tới người dân bắt đầu thắt chặt chi tiêu và khiến doanh thu các công ty giảm. Doanh thu giảm cộng với chi phí cao lại khiến các công ty co hẹp sản xuất, sa thải nhân sự. Người dân chính thế lại càng khốn đốn.
Rồi chính phủ thì phải thay đổi chính sách tiền tệ do lạm phát tăng, đẩy lãi suất cho vay và tạo thêm một cái tròng nữa vào cổ các công ty. Nói chung là việc kinh doanh đã khó lại càng khó.
Như vậy để thấy cái sự thảm họa kinh tế đến với mọi đối tượng, từ chính phủ, các công ty tới người dân. Mà khi cả công ty lẫn người dân đều không có tiền, đó là điều tệ nhất có thể xảy đến với các loại thị trường, từ chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, crypto v.v. Năm 2022 là lần đầu tiên mình chứng kiến đến cả trái phiếu cũng trở thành kênh đầu tư không an toàn.
Thị trường chứng khoán vốn là chỉ báo sức khỏe nền kinh tế. Nhìn vào chỉ số S&P 500, Nasdaq, DAX 30 hay VN Index cho thấy thảm họa chứng khoán và dự cảm u ám về tình trạng kinh tế. Còn crypto thì khỏi nói, đi vào một mùa đông y như The North trong Game of Thrones luôn.
Và mình, không phải ngoại lệ, cũng chịu ảnh hưởng khi đầu tư vào các kênh này.
- Thứ nhất là mất tiền trực tiếp từ việc đầu tư vào chứng khoán và crypto.
- Thứ hai là việc kinh doanh của Impactus gặp khó khăn, mình là chủ nên cũng bị liên đới.
- Thứ ba là các nguồn thu nhập tay trái cũng bị ảnh hưởng. Đầu năm 2022 mình kiếm được kha khá từ các hoạt động như xây và bán blog, freelancer về Marketing. Đến cuối năm, việc bán blog cũng khó khăn hơn nhiều do thị trường kém sôi động hẳn đi (cả thế giới downtrend thì người ta cũng thận trọng với việc kinh doanh online hơn). Các khách hàng tìm freelancer thì giảm ngân sách, trả bèo bọt hơn hẳn.
Qua đây mình cũng học được bài học lớn về đầu tư: Đừng lạc quan quá khi có một năm tốt, cũng như đừng bi quan quá khi có một năm xấu. Và mình trở nên thận trọng hơn với việc đầu tư, dù mình bản chất là một risky investor, chấp nhận high risk – high return.
Vậy 2023 mình sẽ làm gì với Tiền?
2023 được dự đoán tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí còn hơn 2022, nhất là suy thoái kinh tế. Lúc giông bão tới thì chui tọt trong nhà, che chắn cho kỹ càng chứ ai dại gì dong thuyền ra biển ha. Vì vậy mình sẽ thận trọng hơn nhiều với việc bỏ tiền ra để kinh doanh hoặc đầu tư, và siết chặt kỷ luật với việc tiêu tiền.
Mình tư duy việc quản lý tài chính cá nhân cũng giống như quản lý tài chính cho một doanh nghiệp. Doanh thu là dòng tiền vào, Chi phí là dòng tiền ra. Việc của chúng ta là làm sao tối đa doanh thu và tối thiểu chi phí.
Các loại chi phí dự tính của mình
Chi phí cố định
Các khoản chi cố định hàng tháng như tiền nhà, tiền điện nước, ăn uống. Khoản này cố gắng chỉ nên dưới mức 25% tổng thu nhập hàng tháng.
Chi phí biến đổi
Các khoản có thể phát sinh như đi ăn hàng, đi du lịch, đi mua sắm… Khoản này cố gắng chỉ nên dưới 10% tổng thu nhập hàng tháng.
Ngoài ra có bạn còn để 1 phần cho việc học tập. Cái này là tùy mọi người. Còn với mình thì mình cố gắng tận dụng các hỗ trợ học tập từ công ty. Tuy nhiên nếu có thì khoản này không nên quá 5% tổng thu nhập.
60% còn lại
- 10% tiền nhàn rỗi – quỹ tiết kiệm phòng rủi ro.
- 50% kia đem đi đầu tư. Ngay khi nhận được lương, mình ngay lập tức chuyển 50% vào tài khoản đầu tư, vừa để sinh lời, vừa để hạn chế bản thân chi tiêu quá tay.
2023 mình làm gì để tăng thêm thu nhập?
Nhìn chung mỗi năm mình đều nhìn vào tình hình chính trị – kinh tế vĩ mô để điều chỉnh hướng đầu tư. Như đã nói ở trên, từ kinh nghiệm thương đau của 2022, năm nay mình trở nên thận trọng hơn và sẽ rót tiền dần dần vào chứng khoán, vừa rót vừa quan sát.
Thị trường chứng khoán năm nay dự đoán sẽ có nhiều biến động và rủi ro cao, nên mình chọn các công ty kinh doanh trong các ngành cơ bản, phục vụ các nhu cầu thiết yếu của con người bởi con người dù khó khăn hay sung sướng đều vẫn phải chi tiền cho các mặt hàng cơ bản.
Các ngành đó là:
- Hàng tiêu dùng, đặc biệt là đồ ăn uống cơ bản
- Sức khỏe – y tế
- Năng lượng
Sau khi xác định ngành thì tới xác định công ty cụ thể trong ngành. Mỗi ngành mình chỉ chọn 1 – 2 công ty tốt để đầu tư.
Vậy thế nào với mình là 1 công ty tốt? Mình sẽ nghiên cứu tìm hiểu theo 1 số tiêu chí sau:
- Trả cổ tức ở mức tốt. Ngoài kiếm lời từ chênh giá chứng khoán, nhà đầu tư còn có thể kỳ vọng kiếm lời từ nhận cổ tức của các công ty (cổ tức là phần nhà đầu tư được hưởng theo quý / năm khi công ty kinh doanh có lãi).
Lưu ý là không phải công ty nào cũng trả cổ tức, ví dụ như mình ngạc nhiên nhận ra Amazon không trả cổ tức. Cổ tức từ 3%/năm trở lên là khá tốt rồi. Cái này mọi người Google hoặc dùng Trade Republic là ra.
(Trade Republic là app/phần mềm chuyên để đầu tư chứng khoán được rất nhiều người dùng trên thế giới. Phí khi dùng Trade Republic nói chung là khá rẻ và được cái nhanh chóng, tiện lợi. Nếu ai có nhu cầu mở tài khoản Trade Republic thì có thể vào từ link này của mình giới thiệu nhé.)
- Công ty có tên tuổi, làm ăn tốt. Vào website công ty đọc báo cáo tài chính ít nhất 3 năm gần đây để nắm tình hình tài chính công ty. Nếu mỗi năm, đặc biệt là dịp Covid, mà công ty vẫn lãi xấp xỉ 10% thì là công ty có khả năng kinh doanh tốt.
- Giá cổ phiếu công ty nhìn chung đi lên trong suốt 10 năm. Cái này cũng lại Google là ra rất nhiều kết quả.
- Giá cổ phiếu công ty vẫn còn dư địa phát triển. Mình thường mua các mã có giá dưới $100. Còn nếu giá cổ phiếu đã cao rồi thì đơn giản là bạn sẽ mua được ít cổ phiếu hơn với số tiền bạn có, do đó khi nó lên giá thì phần chênh bạn kiếm được cũng khiêm tốn.
Đừng quên canh khi nào có giá tốt thì hãy vào tiền nhé. Và nên có 1 vài người bạn có hiểu biết thực sự về chứng khoán và đầu tư để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm.
Chốt lại bài này, mình xin kể với mọi người 1 câu chuyện ngắn.
Đầu năm mình và người bạn thân ở Việt Nam có chia sẻ với nhau mục tiêu kiếm tiền của năm nay (bạn mình vốn rất giàu, vừa kinh doanh bất động sản, vừa kinh doanh ô tô). Cả 2 đều nhất trí với quan điểm: “Năm nay đừng làm gì là an toàn nhất!” để nhắc lại cho mọi người ý mình có nói ở đầu bài: Năm nay mình không đặt Tiền làm ưu tiên vì thấy khó mà kiếm được tiền.
Còn nếu vẫn muốn kiếm tiền, nhất là với các bạn làm Marketing thì các bạn vẫn có thể nghiên cứu để tìm cách xây – bán blog hoặc làm freelancer như mình. Có điều hãy lường trước là thị trường năm nay sẽ cạnh tranh và đầy khó khăn nhé. Và nếu các bạn có nhu cầu học xây và bán blog, hãy gửi email cho mình hoặc comment dưới đây.
1 comment
Cảm ơn bài viết của chị Ngọc. Em sẽ tìm hiểu các chỉ số, các công ty mà mình dự kiến đầu tư để thực hành một chút theo bài viết chị đề cập ạ. Năm nay không làm gì cả nên em sẽ đi thực hành ạ.